Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

CỔNG LÀNG























Làng quê Việt xưa là cụm dân cư được thành lập trên cơ sở một bộ tộc, một dòng họ...Thành Hoàng làng gắn liền với tên tuổi người khai thiên lập địa hoặc người có công trạng với triều đình, với đất nước, được Vua ban đất, lập ấp, lập làng. Người nơi khác đến muốn ngụ cư phải đổi họ hoặc nhận làm con nuôi của người trong làng.
Sau cách mạng tháng 8/1945 việc định cư do Chính quyền cấp có thẩm quyền quyết định nên dòng họ trong làng đa dạng, phong phú hơn
Trong tâm thức người Việt Nam, mỗi khi nhắc đến quê hương, không ai lại không nhớ đến hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình. Đồng thời cũng hiện lên hình ảnh Cổng làng thân yêu với tình cảm thiêng liêng cùng bao kỉ niệm êm đềm. Cổng làng, nơi chứng kiến bao thăng trầm và biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp riêng của làng mình.
Làng bao giờ cũng có đường vào chính, gọi là Cổng Tiền, tức là cổng trước, thường về hướng Đông, hướng của gió lành, hướng của bình minh lên, của mặt trời mọc, là nơi đón người đi làm, đi nơi xa về, đón khách, đón lãnh đạo đến thăm, đón người đỗ đạt về vinh qui Bái tổ, đón kẻ tha hương, cầu thực trở về bản quán. Và quan trọng nhất là đón dâu mới, nhập làng để cho làng ngày một nảy nở sinh sôi.
Vì vậy Cổng Tiền chính là nơi đón nhận những gì tốt đẹp nhất - Đón sự sống, đón phúc lộc giàu sang vào làng cho làng thêm trù phú
Lối đi sau nhỏ hơn gọi là Cổng Hậu, hàm ý tiễn đưa, như đưa ma, đuổi kẻ tà tâm, trộm cắp, người vi phạm qui ước, người bị làng phạt vạ...
Ngày nay cổng sau không còn nguyên quan niệm như xưa, mà chủ yếu thuận tiện cho việc đi lại, nhưng không thể bỏ qua phong thủy, cái gốc của yên lành
Đường đi từ cổng trước đến cổng sau là con đường chính của làng, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của làng đi qua. Bởi vậy Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và cả đời sống tâm linh của con người, liên quan đến sự phát triển, sức khỏe, giàu có hay nghèo khó của dân cư trong làng.
Cho nên vị trí Cổng làng bao giờ cũng được xem xét kĩ càng về phong thủy, được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn, rộng mở và thoáng đảng, không bị uế tạp, lấn chiếm, thu hẹp, không bị kẻ xấu cản ngăn làm hạn chế sự phát triển
Sau cổng làng là anh em bà con dòng họ chung sống.
Ngoài cổng làng là người dưng nước lã, đi ra xa nữa là đất chôn người chết. Cho nên dù là người làng, nhưng không may chết ở nơi khác, cũng không được đem vào trong làng như quan niệm rước ma về, đem tai họa cho làng.
Xưa lí trưởng có trách nhiệm cắt cử người trông coi, tu bổ, gìn giữ bảo vệ, đóng mở cổng, không để kẻ xấu vào làng. Ngày nay tuy không còn phải đóng, mở cổng, nhưng nhiệm vụ xây dựng, quản lí bảo vệ, gìn giữ cổng làng là trách nhiệm của toàn dân làng mà trước tiên thuộc về trách nhiệm của trưởng làng, là người chịu trách nhiệm trước dân, trước làng xã trong dựng xây làng văn hoá, xây dựng nếp sống nhân ái, đoàn kết nơi dân cư... Để làm sao khi người lạ đến, người đi xa về, chưa cần bước sâu vào làng, chưa đặt chân tới sân đình, nhưng đứng trước cổng làng, cũng có thể cảm nhận được phần nào cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân và vai trò quản lí của chính quyền sở tại nơi đây.Mỗi cái cổng làng đều có một nét văn hoá riêng, cái hay cái đẹp, cái tiêu biểu được viết thành câu đối khắc trước cổng, thể hiện một phần của văn hóa làng.
Cổng là ranh giới và cũng biểu hiện quyền uy của làng: "Đất có thổ công. Sông có thủy thần". Nên ngày xưa, có làng còn dựng cả bia khắc chữ "Hạ Mã" ở bên cổng, nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng.
- Cổng làng Tố Phác, Xã Định Hoà cũng nằm trong hệ thống Cổng làng chung đó.
Ông Tổ họ Vũ làng Tố Phác là ông Vũ Đình Tương, quan hộ giá nhà Lê. Do có công với triều đình, ông được cấp đất lập ấp ven sông Bồng Nga, đối diện với quần thể Phủ Nhì (điện Thừa Hoa ) thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao, Mẫu thân vua Lê Thánh Tông.
Làng Tố Phác xưa chủ yếu là họ Vũ. Ông Vũ Đình Tương là Thủy Tổ họ Vũ nhưng cũng là Thành Hoàng làng. Sau cách mạng tháng Tám, làng đa họ đông dân, đông hộ hơn, nhưng đoàn kết nhân ái cùng chung một Thành Hoàng, người khai thiên lập ấp
Trước đây làng có đình, có giếng, có cổng làng... Trong cải cách ruộng đất bị phá bỏ hết.
Những năm đầu thập kỉ XXI thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, làng đã xây lại là nhà Văn hoá trên nền đất cũ, hướng cũ. Cổng làng được gia đình ông Vũ Văn Lẫu tài trợ kinh phí. Ban công tác Mặt trận thôn chọn vị trí, UBNDX xác nhận. Ông Lê Văn Quyết tổ chức thi công, theo bản vẽ của ông Ngô Văn Hải và đã khánh thành, bàn giao cho làng vào tháng 5/2010
Mong rằng làng và người có trách nhiệm làm tốt công tác quản lí sử dụng. Chăm lo tu bổ để cổng làng ngày mãi trường tồn, mãi là niềm tự hào của làng Tố Phác.
Tháng 10/2916
V V L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét