Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

CỘI NGUỒN YÊU THƯƠNG













Tuổi già vui thú điền viên 

Sống cùng con, cháu, trọn niềm yêu thương 

Chốn xưa, nho nhỏ mảnh vườn 

Sáng, chiều dạo bước, trên đường quê thân

Thảnh thơi, qua lại đứa gần

Đứa xa vài tháng, mươi tuần ghé chơi 

Thích thì đi, chẳng đợi mời 

Lâu lâu, pic níc những nơi hiếu kì 

Của, tiền, chẳng có nhiều gì 

Xuất hưu, dùng khéo, đủ chi ông bà 

Con cháu, hiếu thảo biếu quà 

Sướng rồi ! (nhiều, ít, chẳng la trách gì)

Không phiền, vòi vĩnh, suy bì

Sẵn sàng mở ví, giúp khi con cần 

Khoái nhất : Thứ bảy quây quần 

Đứa xa gọi điện, đứa gần nấu ăn.

Ốm đau, “y tá bà”chăm

Con cháu trách nhiệm, quan tâm tuổi già 

Việc hiếu, hỉ những nơi xa 

Các con cư xử, thay cha mẹ mình

Chẳng ham “góc chiếu giữa đình”

Tri kỷ vài bạn, nghĩa tình phân minh

Gia phong, giữ nếp gia đình

Bởi đây, nguồn cội của tình yêu thương. 

28/9/2022

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

CHỈ TRỜI BIẾT THÔI













Xe máy, mũ, áo trùm người

Bịt mặt, đeo kính, kín môi, kín mày

Chân giày, tất cả hai tay

Không eo, hỏi béo hay gầy chịu luôn

Xa thì dáng tựa xe ôm

Lúc thì như kẻ đánh bom liều mình

Gần thì dáng lại thư sinh

Người quen hay lạ...thật tình không ra

Chào ông sợ lộn phải bà

Cứ gật đầu đại, kẻo mà giận nhau

***

Cống rãnh đường xá bụi ngầu

Không khí ô nhiễm từ lâu nay rồi

Nắng hanh, đành mặc lôi thôi

Nhận nhau… có lẽ chỉ trời biết thôi!

25/9/216

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Bi AI







Thành phố những ngày dài 

Dịch Côvit - cách ly xã hội 

Đường phố buồn như trẻ mồ côi mất mẹ.

Tê tái lòng người- đau trong bi ai

***

Còi xe hụ dài

Tiếng nấc, nghẹn lòng cay đắng.

Phố yên ắng chẳng còn sôi động nữa 

Im lìm, thấp thỏm, bàng hoàng.

Thành phố này đang trong đại tang.

***

Xe quan tài dài hàng, theo hướng lò thiêu 

Khói trắng ngoằn ngoèo bay

Kéo đau thương lên đến tận cùng xanh thẳm 

Kẻ về với tổ tiên trong cô đơn.

Người đưa tiễn, lệ dòng…

Nơi xa cúi đầu bái vọng.

Đau không nói nổi 

Xé lòng, tử biệt, sinh ly

Những linh hồn về nơi chín suối 

Người thân rơi lệ ngậm ngùi… 

***

Mong sớm bình yên 

Một lễ cầu siêu tháng 7

Cho tất cả linh hồn về nơi cát bụi 

Nỗi buồn trần thế sớm nguôi…

30/6 Tân Sửu

Hình trên mạng: Hàng chục ngàn người ra đi trong cô đơn vì Covit

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

HỌ VŨ ĐI HỌP LÀNG

 







Hôm nay cả Họ họp Làng

Họ, Làng cùng một Thành Hoàng, tri ân. 

Họ hay Làng, đều là dân.

Làng đã thông báo, nhanh chân bước dồn. 

Vui nào dễ đã vui hơn?

Được bàn việc họ, việc thôn, việc làng.

Từ đường nay đã khang trang.

Hội đồng, trưởng họ, trưởng làng phân minh. 

Gia phả họ tộc chúng mình 

Thành Hoàng chung, các gia đình vui sao.

Làng văn hóa đẹp biết bao 

Quan trên, bè bạn trông vào nơi đây.

Đồng lòng, đoàn kết, chung tay.

Làng cùng họ mạc, vui ngày giỗ  chung.

18/9/2023

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

MỪNG THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM












Mọi người mừng, tôi cũng mừng.

Nhưng trong sâu thẳm xem chừng nặng thương.

Việc làng, họ, đâu coi thường. 

Ít nhiều góp sức chung đường ghé vai.

Người giàu! Chuyện nhỏ, một hai.

Kẻ khó! Tính toán, đường dài cả năm. 

Khó khăn, trách nhiệm, lương tâm. 

Có người bệnh tật cả năm nay rồi.

Có người tất tả ngược xuôi.

Chắt chiu, dành dụm…phòng thời gió mưa.

Có người bớt sớm, dành trưa.

Đạm bạc cuộc sống rau dưa tương cà.

Người chờ con gửi về nhà 

Cả tình cả nghĩa nơi xa dặm trường.

***

Xem danh sách mừng mà thương…

Càng thêm quý trọng trăm đường dân tôi.

Đừng áp lực, dân làng ơi!

Tự nguyện, nhiều, ít thảnh thơi gắn liền.

Chỉ mong sử dụng đồng tiền.

Rõ ràng, hiệu quả lòng tin thêm dầy.

Dân tôi như bát nước đầy. 

Nghĩa tình đến thế, chung tay giữ gìn. 

19/9/

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Với con em họ Vũ làng tôi!

 











Kính thưa các cụ các bác và bà con nội tộc 

Tôi có ý định viết lịch sử Làng và gia tộc họ Vũ Tố Phác. Có thể nói gọn là viết về: 

LÀNG TỐ PHÁC- THÀNH HOÀNG LÀNG VÀ ÔNG TỔ HỌ VŨ, tiếp nối công việc chưa thành của cố ông Vũ Kim Cầu, Vũ Đình Ninh, trong thực hiện mong ước của dân làng, họ tộc. 

Công việc trí tuệ, chữ nghĩa quả là khó khăn . Nhất là khi năng lực có hạn…. Rất may còn có những tư liệu quý của các cụ để lại và trực tiếp là Quan hệ thực tế, gia phong, gia tộc anh em trong họ, giúp tôi thuận lợi trong công việc. Nhưng cơ bản được trực tiếp đến với các bác, các chú, các cháu, các em trong làng…Biết thêm, hiểu thêm về gia cảnh, về cuộc sống của con cháu, nhân dân trong làng. Chia sẻ với những khó khăn, kể cả những bức xúc, ấm ức chưa hài lòng trong cuộc sống và cả của nhân tình thế thái . Nhưng cũng được chung niềm vui của mỗi gia đình, khi họ mới làm được nếp nhà, sắm thêm tiện nghi mới. Đặc biệt vui hân hoan trong tình anh em họ mạc khi được gặp mặt sau bao năm tôi chưa có dịp đến thăm. Thấy các bác, các chú các em và gia đình mạnh khỏe, con cháu HỌC HÀNH thành đạt. Thật không gì quý hơn điều đó. 

Những tình cảm quí trọng yêu thương đó càng như nhắc nhở tôi cố gắng lên đừng phụ lòng tin của mọi người. 

Mừng vì quê hương có nhiều đổi khác, như được thay da đổi thịt. Đường xá thì rõ rồi. Đó là tình hình chung của cả huyện cả tỉnh, nếu không nói là cả nước trong phong trào nhựa hóa, bê tông hóa đường làng ngõ xóm bằng xã hội hóa, có sự kích cầu của nhà nước. Nhưng cơ bản bằng tiền đóng góp của nhân dân. Trong khi dân làng còn nghèo, nhiều hộ còn vay nợ ngân hàng, có hộ mãi giờ mới thoát nghèo, bởi phải chắt chiu dành dụm cho con ăn học đến lúc trưởng thành. Nên làng mình làm được như vậy thật đáng tự hào. Các gia đình con cháu học hành thành đạt, thật đáng trân trọng cho sự học và hiếu học đó.

Tuy vậy qua tiếp xúc cảm thấy thu nhập của nhân dân còn quá thấp. 

Nguồn thu nhập để xây nhà cửa lấy sức lao động không kể đêm ngày của gia chủ là chính. Nguồn kinh phí chủ yếu là chi viện của con cháu làm ăn xa gửi về. Mà đồng tiền đâu phải lá mít dễ kiếm. Trong đó có người phải xa quê, tha phương nơi nước người làm thuê, hoặc kẻ bới đất nhặt cỏ, làm vập mặt cho thiên hạ mới có được đồng tiền. Ngoài chi phí cho bản thân cho cái gia đình nhỏ mới lập nghiệp, đã là quá giỏi, còn phải dành dụm ít nhiều gửi về cho cha mẹ ở quê, tu sửa nhà cửa, nộp các khoản đóng góp, cho bằng bạn bằng em, khỏi mang tiếng là đi xa mà chẳng có gì? May thay đồng tiền của con cháu được cha mẹ sử dụng tốt. Nhà có đất thì sẵn làm. Nếu mua đất thì cũng rẻ hơn phố phường nhiều, nên mới nhanh có được những sự đổi mới đó. 

Tôi muốn nói điều này để chúng ta tự hào với sự phát triển đó, đồng thời thấy được những khó khăn để chúng ta cân nhắc theo cụ thể của từng nhà, tránh huy động tiền của, dù là tiền dân làm cho dân nhưng phải khoan sức dân và tránh lãng phí.

Việc làng cũng vi như  như việc của một gia đình, việc gì cần làm trước, việc gì làm gì sau. Làm như thế nào? Có chừng ấy diện tích phải tính toán cho khoa học, không bày biện tràn lan, bặt đâu làm đấy, đã lãng phí lại không đẹp. Thời điểm nào làm phù hợp. Tiền nong ở đâu… Vợ chồng bàn cho kỹ đã. Việc nhà mình, mình quyết, nhưng có cái cần thiết phải tham khảo xin ý kiến. Cái hay thì học, cái xấu thì bỏ. Chưa giỏi giang gì mà tùy tiện lạm quyền, đang có cha mẹ, thì giữ tôn ty, đừng cá vượt qua đăng thì không nên. 

Nói dại, do không bàn kỹ,  không may có những sai sót, lúc đó, bỏ đi để làm lại thì gây lãng phí tiền của. Có cái không ưng, nhưng làm rồi, không phá được, phải để lại, thì phải tìm cách hạn chế bớt tác hại. Nếu không sẽ bị ám ảnh cả đời. Nhất là khi việc làm đó liên quan đến phát triển hay lụn bại của gia tộc, của nhiều người, nhiều đời… thì càng phải thận trọng. Qua nghiên cứu tộc phả, thấy các cụ ta khiêm tốn cầu thị lắm. Ngày nay Bác Hồ và Đảng ta cũng dạy cán bộ và Đảng viên như vậy. Có làm có sai, sai biết cầu thị đề sửa chữa, dân sẽ thông cảm tha thứ. Nhưng bảo thủ ngụy biện không chịu tiếp thu. Dựng khống nội dung từ các cuộc họp, tùy tiện bổ sung làm các nội dung khác, câu chữ mập mờ tìm cách đối phó, thì dân đấu tranh đến cùng để đi đến chân lý. 

Tôi ví dụ : Khi nào là Họ, là Làng, (Thôn thì nay thế nào. Ban liên lạc là gì? ) Quyền hành Ban liên lạc đến đâu, chứ ban liên lạc không thể quyết định thay cho họ, thay cấp có thẩm quyền.

Vừa qua, mới đi một số nhà trong làng, thấy nhà tuy nhỏ, trong thời bê tông xi măng sắt thép, nhưng họ không làm nặng nề, bố trí hợp lý trông đẹp lắm. Chứng tỏ gia chủ có kiến thức thẫm mỹ.

Nhưng có lẽ, làm tôi day dứt nhất là sự học hành của con cháu trong làng nói chung trong đó có họ Vũ. Tôi có vội vàng lắm không, khi nói việc học hành của làng nay có nhiều hạn chế. Đi từ đầu làng đến cuối làng, đi từ Chi nọ đến Chi kia, điểm từng ngành… thấy sự học yếu quá. Mọi người cứ nhẩm tính giúp tôi đi? Tại sao có tình trạng coi thường học hành như thế? Do kinh tế khó khăn phải bỏ học? Hay do nhận thức suy bì: Học cũng chẳng có ăn. Thiên hạ khối người không học vẫn giàu?

 Học để làm cán bộ, thì khối anh, trình độ có thế vẫn làm cán bộ đó thôi?

Rồi thì Họ tộc, làng ta có làm khuyến học không? Có vận động quỹ, có tới động viên, khuyến khích hộ nghèo vượt khó để cho con cháu đi học hay làm ngược lại? Tổ tiên dạy nhân bất học bất tri lý. Bác Hồ dạy học để làm người, làm cán bộ. Mình đã làm được điều đó đến đâu. Sử dụng quĩ khuyến học dân đóng góp thế nào? Ta chưa vội kết luận do đâu. Nhưng ta cứ thử nhìn lại Truyền thống xưa của tiên tổ ta, lời của Bác Hồ dạy, Nghị quyết của Đảng… làng mình thực hiện đến đâu?

Ấy! Tôi lại nói sang Làng rồi. Tôi là hậu duệ họ Vũ nhưng là dân làng Tố Phác. Dòng họ cho ta cội nguồn. Nhưng ta sống nhờ làng. Ở làng thì gắn bó, sống chết với làng. Đi xa luôn nhớ và khi già mong ước trở lại cố hương, mong có thác cũng được bên ông bà cha mẹ. 

Dòng Họ xưa sống biệt lập nào đâu phát triển. Chỉ khi đa họ, làng mới phát triển nhanh, mới phồn vinh giàu có. Ta sống với làng, làng nơi chôn rau, cắt rốn nơi nuôi dưỡng ta. Họ với làng chung một mảnh đất, một Thành Hoàng, sự tri ân và sướng khổ có nhau. Thế thì xây nhà thờ Thành Hoàng tại sao ta không phải là việc cả làng? Chưa nói làng, họ có quan hệ tình cảm láng giềng hoặc tình nghĩa sui gia? Cùng chung một chính quyền, một hệ thống chính trị? Do đó trong tôi, làng luôn trong trái tim. Làm gì có thể tốt đẹp cho làng tôi và gia đình luôn tự nguyện, kể cả giữ gìn phẩm chất đạo đưc cá nhân để khỏi tai tiếng, trước tiên cho gia đình, cho họ, cho làng. 

Rồi nữa, nhớ lời tiền tổ, từ cụ Vũ Huy, chọn nơi chín gò, nơi khí vương hội tụ, nên về mãi Phúc Kiến, mang hài cốt thân phụ sang để táng, nên mới có cụ tổ Vũ Hồn, nơi làng Mộ Trạch và con cháu họ Vũ, một trong dòng họ lớn của đất nước hiện nay. Bởi vậy bao giờ khu cát táng cũng phải sạch sẽ, an vui người chết, an lòng cho người sống. 

Còn nhiều điều muốn nói với làng với họ hàng con cháu, với trách nhiệm là hậu duệ, là người Chi2 dòng họ, đối với xã hội là nguyên lãnh đạo của huyện mà hiện tại nhiều người là lãnh đạo đương nhiệm từng là cán bộ dưới quyền. Nhưng có lẽ sẽ có một dịp khác 

Vấn đề cuối cùng 

Tôi vui cùng làng và chúc mừng Làng ta và họ Vũ có một thờ đường mới, nơi ta hương khói, nhớ ơn, tri ân người khai thiên lập địa, người sinh thành dòng họ. Tôi và gia đình cảm ơn những người có trách nhiệm của họ đã động viên con cháu là những người thợ đã lao động ngày đêm trong thời tiết khắc nghiệt để chúng ta có công trình này.

Với gia đình tôi, ngoài việc đã cung tiến xây cổng làng, đều cùng dân làng đóng góp xây nhà văn hóa làng 2 lần. Đóng góp với họ, tu bổ mộ tổ 2 lần. Như có cụ nói có khi 5 năm sau họ lại làm mới to hơn nữa…

Tôi thì mong những công trình thờ cúng mồ mả càng yên ổn cổ kính càng linh thiêng. Mấy năm rồi, làng liên tục làm việc này việc kia, động địa, kinh lắm rồi. -Lần này theo đề nghị, của con cháu, tôi đã tập trung nghiên cứu, chọn lựa các nội dung hoành phi câu đối, và đã được những người có trách nhiệm chấp nhận. Điều đó đã thể hiện sự ủng hộ của tôi trong việc làm mới từ đường 

Ngoài ý kiến của anh em bà con đã nói, tôi không nhắc lại. Cái cụ thể nữa, anh em bà con đến mắt thấy tay sờ mà suy ngẫm 

-Song tôi có những điểm góp thêm về cách tổ chức thực hiện. 

Thứ nhất làm rõ thẩm quyền người quyết định triệu tập và quyết định họp họ hay họp làng, hay phối hợp họp cả 2 thành phần. Trưởng làng là ai, có hay chưa? Mỗi khi có việc cần báo cáo với ai? Trưởng họ là ông Ninh, giờ ông đi xa, con trai trưởng là anh Yên, cháu đích tôn của ông giờ cũng đã trưởng thành. Nếu chưa đủ gánh vác thì giao cho ai? Cách làm thế nào? Do vậy ai thay mặt họ để triệu tập và Quyết định.cuộc họp đó mới là quan trọng.

Nếu các cụ hoặc ai đó nắm bắt được nguyện vọng họ và dân làng. Sau khi mời các cụ trong họ, báo cáo lại. Thống nhất mở cuộc họp họ, giao cuộc họp họ đó cho ai chủ trì nội dung thì đều được. Vì đúng người có thẩm quyền quyết định đã giao cho. Đúng thẩm quyền thì cuộc họp họ đó mới có giá trị. 

 Khi cả họ đã quyết định rồi, thì thống nhất giao cho ai thực hiện, chứ các cụ thì già, trưởng họ thì trẻ, đâu phải ai cũng ra đó mà làm được.

Lo từ thiết kế, mẫu dáng, thế đất hướng nhà, vị trí, kinh phí, nguồn huy động, ngày khởi công, hợp đồng thuê thợ… báo cáo lại các cụ biết.

Hết sức tránh cá nhân tùy ý. Việc của họ, không phải riêng vài gia đình. Không bàn kỷ, thiếu thống nhất sẽ gây bản cải. Nhất là trong huy động đóng góp.

Những góp ý chân thành của anh em bà con người có trách nhiệm phải tiếp thu, không bảo thủ.

Tôi nghĩ họ mạc là anh Yên phải gánh. Anh nếu yếu thì các con trai đều trưởng thành. Vấn đề anh Yên hay ai đó dù tài giỏi đến mấy cũng phải thực hiện có tôn ty kỷ cương dòng họ, báo cáo hội đồng dòng họ trước khi quyết định. Chứ không thể tùy ý.

- Ban liên lạc được chỉ định hoặc bầu ra chỉ là thực hiện giữ mối liên hệ dòng họ với bên ngoài. Tiếp nhận các thông tin, báo cáo lại trưởng họ, chứ không thể là người quyết định và càng không phải người triệu tập hội nghị dòng họ, nếu không được ủy quyền.

Việc họ càng không thể là “Thể theo NQ chi bộ cả thôn cả làng….”. Chỉ mong cái gì còn lệch thì kê lại cho đều, không ai lại đào sâu thêm để cho bằng. Vấn đề là cầu thị tiếp thu, tìm cách khắc phục. Đừng ngụy biện nói sai, ông Tổ buồn, Thành Hoàng làng buồn. 

Công trình sẽ hoàn thành, tất yếu nó phải vậy thôi. Có khởi công tất có Khánh thành. Xây và Khánh thành 

 nhà thờ Thành Hoàng, nên có sự tham gia của cả làng, ai cũng có trách nhiệm tham gia, trừ trường hợp đặc biệt. Không thể làm qua loa được. Khánh thành nghi lễ, tế lễ ra sao, bản thờ bát hương thế nào. Ai đứng tên, nhờ ai cúng bái? Ông Sum, ông Siêng, ông Kim, ông Chung, ông Gan, ông Hành, ông Cẩn…các bà các cụ cao niên trong làng, các cha chú trong họ trong làng, phải gắn trách nhiệm, đừng mặc các cháu, rồi ta phê phán hoặc sau này cả làng gánh chịu. Nhưng cũng không ai được chống lưng cho người làm sai? 

Bàn đi, cải nhau cho ra nhẽ cũng được. Không sợ đối thoại với dân, chỉ sợ xa dân, dân xa, chán không thèm nói nữa mới đáng sợ. Còn bàn đóng góp tiền chậm sau tý cũng được. 

Đảm bảo cho sự yên lành của làng quê trước mắt và lâu dài mới là tối quan trọng. Tiền nong yên tâm đi, khi thông rồi, dân làng sẽ đóng góp. 

Một số ý như vậy, là con em trong nhà có gì chưa thấu đáo, mong được mọi người lượng thứ. Công trình hoàn thành rồi, nhà mới, mong sớm chiều hương khói cho từ đường ấm cúng, cầu mong dân làng mãi yên bình, đoàn kết, phát triển dưới sự che chở của Thành Hoàng làng. 

Đôi điều như vậy. Xin được chúc sức khỏe  các cụ chúc sức khỏe mọi người.

 Xin được cảm ơn !

Tố Phác 3/9/2023