Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

GỬI TẶNG SUI GIA

 














Tuổi bát thập niên, vẫn anh minh

Vượt lên hoàn cảnh, thắng chính mình

“Lễ, nghĩa, trí, nhân…” lòng trung, hiếu 

Vững vàng ý chí một chiến binh 

Trọn cả cuộc đời, chăm cây đức 

Chỉ mong dành phúc, để hậu sinh

Yêu, quý rể, dâu, thương con cháu 

Sui gia, gắn bó một chữ tình

1/9/2021


HẸN ÔNG DỊP TỚI 

( Gửi ông bà sui gia)

Tin ông xuất viện đã về nhà 

Chưa kịp đến thăm, tại đường xa

Thủ đô dãn cách, mùa dịch dã 

Bởi bọn cúm Tàu, chủng Denta

Nhớ chẳng được về, đành để dạ

Cái mong cái muốn, dễ quên à?

Hẹn ông dịp tới, ông bà nhé 

Tan dịch, xum vầy, gặp tại gia…!

20/9/2021


NẾU KHÔNG CÓ EM

 














Anh biết làm gì

nếu không có em

Người ngơ ngẫn

quên quên

nhớ nhớ

Đang làm đó

chán chường rồi bỏ 

Dạ băn khoăn

như kẻ lỡ hẹn hò

***

Anh chẳng làm gì

nếu đời thiếu vắng em

Tết đến

Xuân về

thảy đều vô vị...

Tẻ nhạt rượu bia

chán phè đồ nhắm

Dẫu mâm còn đầy

thịt chả

giò nem

***

Anh biết làm gì

nếu chẳng có em

Niềm thương yêu cứ như lẫn trốn

Giữa dòng đời với bao bề bộn

Nắng đỏ trời

mà lòng lạnh tái tê 

***

Cứ nhớ thương đi

Dẫu ta vẫn cận kề 

Dù con cháu để huề, nam nữ 

Tình yêu thương, muôn đời vẫn thế

Dù hạnh phúc hay cuộc đời có là dâu bể

Miễn anh còn em

để nhớ thuơng còn có lối về !

 30/12 Giao thừa Giáp ngọ



Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

NGẪM VỀ CÁI LO VÀ SỰ KHEN CHÊ


















Đời có bao nỗi lo. Có thể nói là lo cả đời. Nào là lo làm ăn, lo áo, lo quần, lo tạo dáng, đánh bóng mình để khoe mẽ; lo kiếm trác để làm giàu, lo tìm bạn, kiếm người yêu. Lo vợ con, sướng, khổ. Lại có kẻ, cả đời bồ bịch, quanh năm chuyên lo mỗi chuyện khuất tất, bị lộ. Rồi thì người lo lỡ hẹn vì trót hứa, trót hẹn hò, lo trả nợ vì đã trót ăn quà. Thậm chí đắn đo lo đám Giỗ, ngoài nghi lễ huý kỵ ra, còn cốt để trả nợ miệng. Lo hôm nay, lo ngày mai, lo cho cái thân mình. Lại còn bao đồng, lo cả cho thiên hạ, kiểu lo bò trắng răng…(ti tỉ cái phải lo là vậy ). 

Nhưng có lẽ, 3 nỗi lo, mà quan niệm xưa, người bình thường, sống trên đời phải đặt lên trên hết. (Tuy ngày nay, có nhiều cái khác. Cứ nhìn các vụ án cha con, anh em, vợ thuê, chồng tạm…thì rõ).

- Lo Cha mẹ già, khi sống thì quan tâm, chăm sóc. Lúc ốm đau, thuốc thang, thường xuyên thăm hỏi, nâng giấc. Khi nằm xuống, hiếu đễ, ma chay, cho mồ yên mã đẹp…Ở xa xôi đến mấy cũng về chịu tang, để thiên hạ khỏi chê cười, trách chê là bất hiếu

- Lo có nhà cửa. Có của thì mằn to, biệt thự, vi la… ít ra thì vài ba, nhiều dăm, mươi cái. Nghèo hèn, chặt hẹp, thì mái lá, đậy tôn, xấu đẹp gì thì cũng có cái mà chui ra, chui vào. To, nhỏ, tùy điều kiện, nhưng là nhà của mình, có chỗ mà đặt bàn thờ tổ tiên, cha mẹ. Chả ở đợ, ở nhờ bố con thằng nào 

- Lo dựng vợ, gã chồng cho con. Chúng yên bề gia thất, mới yên lòng khi nhắm mắt. Giàu nghèo, xa gần không cần. Miễn chúng yêu thương, hạnh phúc. Nghèo mà yên ấm. Chỉ lo vô phúc, khi tiệc rượu cưới con, khách uống chưa hết say, chúng đã chia tay, líu ríu đưa nhau ra tòa. Hoặc hay ho gì, khi giàu có mà chửi nhau suốt ngày. Bực lên, cứ mẹ, thày của nhau, chúng réo!

Đó là 3 nỗi lo lớn nhất của một kiếp người, mà bình thường, ai cũng phải lo. Dù phải bới đất nhặt cỏ, gian khó cũng tìm cách mà làm. Kẻ mà vô lo, vô tư đến bỏ mặc, đến đâu hay đó. Chắc chắn loại người đó bị chê là người không bình thường! Dù có nguỵ biện mấy đi chăng nữa, ta cứ nhìn xem, loại người đó liệu có ra gì? Nhưng, có kẻ lo mà tham lam, mà bất chấp cả đạo lý, nhân cách. Tham nhũng, vi phạm pháp luật để giàu có, thì chỉ đem họa vào thân. Cái lo đó là lo nhãn tiền, lo ngay ngáy, lo để không vương vòng lao lý, dù sống kiêng số 49-53, ngày chẳn, ngày lẻ. Lo đó, dù có ranh ma trốn tránh, thì cũng bị sa lưới, bị người đời chê cười, nguyền rủa. Song sự khen, chê ở đời cũng vô cùng, với bao nhiêu kiểu cách khen chê. Chê trước mặt, chê sau lưng, chê gần, chê xa xôi, ''nói đây chết cây Hà Nội''. Chê vì không làm hài lòng mọi người ư? Cái sự chê không đáng chê, ấy đó là ghen ghét. “Kẻ nào định làm hài lòng tất cả mọi người, thì kẻ ấy sẽ không làm hài lòng được một ai cả”. 

Thậm chí, khi chết rồi, mà đời vẫn chưa tha thứ, bia miệng vẫn còn trơ trơ, chả cần cổng cao khắc đá. Nhân vô thập toàn mà. “Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”, là thế đó!

Cái sự khen ư? 

Ngoài làm việc tận tụy, để được bằng khen, huân chương. “Được tiếng khen, ho hen không còn”. Lại có kẻ thích khen đến mê đắm, dù là khen nịnh, khen đểu. Nào là khen khéo chạy, khen mặt trơ, khen giỏi luồn lọt nịnh bợ. Bởi vậy, loại này, khi được góp ý, dù đã sai lè lè, họ cũng nhảy cẫng lên phản ứng.

- Được người đời, đánh giá là sống có Hiếu, có Nghĩa, có Nhân, có Trước,  có Sau… Ấy là lời khen cao quí nhất và chính cũng là cái khó nhất của một kiếp người vậy. 

Sự đánh giá là của thiên hạ. Thiên hạ vốn công bằng. Nhưng có lẽ, kẻ bị đời phỉ nhổ, khinh miệt nhất, đó là kẻ bất hiếu, đồng nghĩa với nó là loại Vô ơn, bất nhân, bất nghĩa(già bạc đầu còn ác, kẻ ăn xong quẹt mỏ, qua sông, đấm buồi lên sóng. Thoát vòng, cong đuôi. Khi quyền cao chức trọng, quên đi thuở hàn vi, phụ công ơn, phụ lòng tốt của người khác. Đến cả ơn sinh thành chúng cũng chẳng màng). Đó là những kẻ lưu manh, đốn mạt nhất trên cõi đời này vậy !

9/2021