Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

ĐẤT ĐỒNG VÁ NHỰA

 












“Cứ là dật gấu, đắp chân..”

Nắng bụi. Mưa xối, một lần đi tong !

Đường nhựa mà vá đất đồng 

Đông Lào như thế, sao không mắc cười !

“Tạo công việc cho bao người 

Chi phí vật liệu, đồng thời tiền lương…”

Máy lu, củi, nhựa, vá đường 

Tiền thuế dân góp, chuyện thường xưa nay

Di tu, dưỡng lộ kiểu này 

Tốt, xấu mặc kệ, tiền thầy cứ xơi ! 

Dã Tràng xe cát biển khơi

Tiếu lâm, ngày tháng trò đời diễn chơi.! 

21/7/2023

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

TRÔNG TRĂNG MÀ NHỚ CHỊ HẰNG
















Nghĩ mà thương cho cái chị Hằng. 

Chăn kiến, ngồi buồn nhớ cung trăng. 

Bỏ Cuội, bỏ trâu, vì “quy hoạch”.

Bởi lá đa dài? Bởi tài năng?

Ngẫm những ai người luôn chăm bẵm 

Nhử mồi bằng ghế có hay chăng?

Bị người ”nâng đỡ không trong sáng”

Ngẫm lại càng thương cái chị Hằng

15/7/2023


Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

ĐÂU LÀ BẢN GỐC









Tôi đọc đề thi 2016, xem họ bình và ... ngứa mồm nói tí :

"Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa"

Trộm nghĩ đây chỉ là một trong những câu thơ hay của bài thơ hay mà bác Vũ viết quá hay, từ đắt thế là cùng, rõ đến thế, hình tượng văn học hay đến thế ! Quả là "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". 

Tiếng Việt, ngôn ngữ Việt còn sâu, còn cay còn thâm thuý hơn Tàu nữa là ... Khi thì  mộc mạc, thật thà, chân chất, không chau chuốt khách sáo xu nịnh. Ví lởm khởm, nhấp nhô như đất cày, nhưng vẫn say nồng hương đất quê ta, dù cho sự thật có mất lòng, trung ngôn tuy có nghịch nhĩ. Nhưng lại có khi "lời nói không mất tiền mua.." Nên lựa lời mà nói, nói ở tận đây mà chết mãi cây Hà Nội kia, nói thế này bẻ xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Tưởng ngọt ngào mà lời còn cay hơn ớt đó, nhưng vẫn êm tai nhẹ nhàng. Người Việt là người duy tình mà. Ngôn ngữ từ đó cũng biến thiên, khen hết từ, ghét xúc đất đổ đi.

 Nhưng hơn tất cả, trên tất cả, tiếng Việt là tiếng của ông cha, tiếng của chúng ta, nó đúc kết chắt chịu từ lao động để sống, đấu tranh, để tồn tại. Chúng ta đấu tranh để gìn giữ tiếng Việt và sự trong sáng của tiếng nói ông cha, mặc cho nghìn năm phong kiến Phương Bắc đô hộ, chúng sát phu dâm phụ, xoá lịch sử, bỏ chữ viết, định đồng hóa một dân tộc, làm mất đi tiếng nói của dân tộc Lạc Hồng. Nhưng tiếng Việt qua thăng trầm, gian khổ, cơ cực và qua tàn phá của kẻ thù vẫn trong sáng, đầy yêu thương nhân ái, nhưng cũng rõ mặt bạn thù, kẻ tốt người xấu, để đối nhân xử thế.

Tiếng Việt từ đó mà hình thành theo nhân cách riêng có của người Việt, không thiên lộn, nói một đàng làm một nẻo, nói hay làm đểu như Tàu...Còn khi yêu quí nhau, dành lời yêu thương cho nhau thì lại mềm mại, mịn màng như lụa, ngôn từ trong sáng, âm tiết nhẹ nhàng như giót mật vào tai

Ôi ! Cả bài thơ của bác Vũ đã thể hiện vằng vặc như sao Khuê... không như hiểu như cái ông gì đó bình, sửa thơ của bác Vũ. Mà sao ông không sửa " Ôi tiếng Việt như xa tanh, như lụa " cho nó chết tiệt cái thăng hoa của thơ ca đi nhỉ !

Nguyên tác dưới đây:

TIẾNG VIỆT 

Tiếng Mẹ gọi trong hoàng hôn khói xẫm                        

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về                                   

Có con nghé trên lưng bùn ướt xẫm                               

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre            

                                                                                                              

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng                           

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya                          

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng                                 

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê                           


Tiếng Cha dặn khi vun cành nhóm lửa                          

Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi                              

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ                                    

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời                                     


“Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt…”                                  

Đi mòn đàng đứt cỏ đợi người thương                              

Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót                               

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng                            


Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói                               

Vầng trăng cao như cá lặn sao mờ                              

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa   (1)                                

Óng tre ngà và mềm mại như tơ                                    


Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát                            

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh                                     

Như gió nước không thể nào nắm bắt                                

Dấu huyền trầm bên dấu ngã chênh vênh                           

                                                                                         

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy                                                     

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường                               

                                                                                                

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận  (2)                                                     

Như tiếng lòng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ gối lạy cha già                                  

                                                                                           

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng                            

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi                              

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán                                       

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời


Trái đất rộng giàu sang nhiều thứ tiếng

Cao quý thâm trầm, rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo, như giây đàn máu nhỏ


Buồm lộng gió xô mai về trúc nhớ

Phá củi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng ngẹn ngào như lời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt


Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn 

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời


Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu 

Điều anh nói hôm nay chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu                           

    

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Có cùng tôi trong tiếng Việt quay về


Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ    

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình. (3)                                                                       

 Tg  Lưu Quang Vũ          


“Tiếng yêu của những ngày xưa

 Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta”

 Xuân Quỳnh

(1),(2),(3) là những câu nguyên bản gốc viết tay sau này đã được chỉnh sửa như sau:

(1) Ôi tiếng việt như đất cày, như lụa

(2) Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

(3) Tiếng việt ơi, tiếng việt ân tình

(Theo bản gốc do PGS-PTS Lưu Khánh Thơ.

Em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ cung cấp)