Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

KHÓC MA MƯỚN

 









Dân gian có câu”khóc như khóc ma mướn”. Ấy là câu ám chỉ những hành vi hời hợt, không thực lòng, kiểu “nói vậy mà không phải vậy, nói rứa mà không phải rứa! Làm một đằng, cái tâm một nẻo“. Nhưng trong xã hội, đối với một số người, nó là cái nghề kiếm sống vậy 

Khóc mướn có từ xưa. Tuy mai một theo năm tháng, nhưng đến ngày nay, việc khóc mướn, đôi nơi ở xứ ta vẫn còn, như một nghề đặc thù, được cơ cấu, biên chế trong phường bát âm, chuyên phục vụ nơi đám hiếu. Tuy không trường lớp đào tạo, không bằng cấp, nhưng có ”chuyên môn khóc giỏi”, nên chẳng phải đầu tư kèn, để thổi toe toe, khỏi đầu tư trống, để gõ bong bong, khỏi sắm nhị, kéo ỉ eo. Chỉ cần“vốn tự có”là cái miệng rộng, cổ họng âm phát to và cái đầu vô cảm, nhưng thuộc làu mấy câu ca buồn, cứ thế réo lên là đủ. Tuy, tay không bắt giặc, mà cơm rượu đề huề, thu nhập lại cao ra phết. 

Việc khóc mướn, thường được dùng trong các trường hợp gia đình có người thăng thiên, nhưng hoàn cảnh neo đơn, người lo tang lễ chưa xong, lấy đâu nhân sự ngồi khóc! Mà chả lẽ đám ma lại không khóc, hay chỉ có vài giọng khóc lẻ loi? Họ cần có tiếng khóc hỗ trợ, nâng đỡ trong sáng cho gia chủ, thêm phần mùi mẫn, bi ai. Thế là họ thuê khóc mướn.! 

Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ mất, con cháu đông, anh em nhiều, mà lạ thay, đùn đẩy nhau khóc và rồi…không ai khóc! Thế là xì tiền, họ thuê khóc và thế là khóc mướn có dịp lên đời. Trống đánh, kèn thổi, người nói ồn ào, tát nước theo mưa, cứ thế réo “ông hôi, bà hôi” trong bản trường ca không rơi lệ. Thế mà vừa nghỉ lấy hơi, nghe tiếng tiền rơi, kịp thời lại khóc tiếp. Khóc mà mặt tỉnh bơ, mắt khô, ráo hoảnh. 

Song! Dù trong hoàn cảnh nào, khóc mướn cũng được thuê và trả công. Riêng trong đại dịch Cô vít, với hơn 3 vạn người ra đi, trong cách ly, trong cô đơn, buồn tủi. Chết trong sợ hãi, cô quạnh, vắng bóng người thân. Dù có tiếc thương, người thân cũng đành nhỏ lệ, ở nơi xa bái vọng. Chả thuê ai, mà cũng chẳng ai thuê khóc mướn và thấy thiên hạ cũng im. Thật đáng thương thay.

Cứ như trường hợp một ca sĩ nọ, ra đi vì cô vít. Sự tiếc thương một con người, ai mà chẳng có, khi nghĩa tử, nghĩa tận. Huống chi, đây là một nghệ sĩ tài hoa, có trái tim nhân hậu. Nhưng đang dịch Cô vít, nào ai dám tổ chức tang lễ để mà khóc và thuê khóc mướn. Đành trong cái chung mà thôi. Thế nhưng bỗng lòi ở đâu ra, một số người không ai thuê, chẳng biết có vô tư không, nhưng thấy ào vô khóc mướn và chửi bậy. Rồi báo, rồi hổ, vườn gần, rừng xa, lá cải, lá ngón… bâu vào, la khóc rầm rầm, tha ra đủ thứ, thượng vàng, hạ cám của người ta. Quên cả việc nhà, mà lo ma hàng xóm. Quả là thương tâm thật!

12/10/2021

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

VỀ NHÀ QUẶN NHỚ MẸ TA









Bao năm mưu sống phương xa

Quê hương, mới trở lại nhà Xuân nay

Trào dâng nỗi nhớ vơi đầy 

Quặn lòng nhớ mẹ những ngày nơi đây 

***

Mẹ ta vóc hạc, hao gầy 

Gian lao đọng lại, bàn tay chai sần

Ruộng đồng, níu lệch đôi chân

Nắng mưa, bạc phếch áo quần đen thâm

Thương con phiêu bạt xa gần 

Mắt mờ, bởi lệ bao lần đẫm khăn

Chiều chiều, đăm đắm ngõ sân

Lặng yên, đơn bóng, bần thần chờ con

Nhớ thương, lòng mẹ héo mòn 

Đợi chờ, khắc khoải, thân còm, xác ve 

Phòng đơn, giường mẹ chiếu tre

Bao đêm trằn trọc, tái tê nỗi sầu 

Tường vôi, vương đỏ cốt trầu 

Đêm nhai nỗi nhớ, ngày đau nguyên còn 

Cả đời, chưa được miếng ngon 

Chỉ quen khoai, sắn, chuối non góc vườn 

Tảo tần, gom nhặt yêu thương 

Khổ lao mẹ nhận, sướng nhường phần con…

***

Chốn xưa đầy ắp vui buồn 

Cúi đầu, thắp một nén hương dâng người 

Hãy yên lòng nhé, mẹ ơi !

Trong con có mẹ, cả đời không quên!

10/10/2021


Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

CẢM XÚC THÁNG MƯỜI

 








Ôi tháng Mười mà ta mong đợi

Khi thấy heo may thoảng đến nơi rồi

Nghe se lạnh trong từng cơn gió thổi

Len lỏi về ngõ nhỏ đợi chờ đông

***

Cái nhớ bổng dưng gõ cửa cõi lòng

Sương  phủ nhẹ, gói buồn trong tĩnh lặng

Ai đợi ai, khăn đìu hiu phố vắng

Nghe mơ hồ sâu thẳm nỗi niềm mong


Nước biêng biếc, mặt hồ thu lặng sóng

Cốm xanh thơm, bên đỏ mộng quả hồng 

Thu thai nghén trong lòng bao ước vọng

Nghe trở mình bãng lãng một mùa đông


Nhưng bỗng dưng, lòng ta chợt bâng khuâng 

Một thu cũ tàn dần trong héo úa

Người ra đi...

Đâu ngoãnh đầu lại nữa...(1)

Day dứt mãi, nỗi sầu đong chất chứa(2)

Cho thai nghén giao mùa 

Tháng Mười của chờ mong 

***

Tháng mười ơi! Ai đợi ai trông 

Hương hoa nở dưới trời thu lặng gió

Tiếng mưa rơi, níu đêm dài nỗi nhớ

Ai trao ai, chút hương thoảng giao mùa...

***

Anh nằm nghe gió thoảng cuối trời thu

Nhớ len lén, chui vào trong giấc ngủ

Đêm đã về khuya 

Em còn đâu đó

Sương lạnh vai gầy...  

Có biết đã sang đông

 V V L

(1) Ý thơ Nguyễn Đình Thi: "Người ra đi, đầu không ngoảnh lại.."

(2) Ý thơ Nguyễn Du :" Sầu đong càng lắc càng đầy..."