Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

RA NGÕ NGẬM NGÙI










"Ra ngõ ấy mấy trông...ra ngõ mà trông ..."
Nào ai duyên mới có biết không
Chị tôi tủi phận khô nước mắt
Nhớ một ngày xưa thuở má hồng

Ngày ấy anh về trong gió đông
Ánh mắt anh trao ấm lửa lòng...
Lời mới ngỏ thôi ... anh đi mãi
Chị như hoá đá mỏi mòn trông

.."Ra ngõ trông ra ngõ mà trông..."
Câu ca nghe tan nát cõi lòng
Tình đã chết rồi trong thầm lặng
Chị còn gì nữa để mà trông

Cứ tưởng chị tôi tắt lửa lòng
Thuyền tình bỏ lái cõi hư không
Thế mà đau xé tâm can chị
Thiệp hồng ai đó ...mỗi sang đông

Cuộc sống vô tư vẫn xuôi dòng
Còn gì để nhớ một mùa đông
Chị tôi trầm cảm từ dạo ấy...
Xin đừng qua ngõ ...chị lại trông ...!

    Tháng 10 mùa cưới
        Duyên lỡ chị tôi

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

CHIỀU VỀ LỐI CŨ








Chiều về trên nẻo đường xưa
Oằn lưng đê gánh, lũ vừa ngập xong
Ngõ gần mà phải đi vòng
Bâng khuâng lặng nước, cánh đồng mênh mông
Cầu Khải nhộn nhịp người đông
Cá ngon cũng chỉ mươi đồng một cân
Xốn xang dạ những tần ngần
Lối xưa, chốn cũ bao lần có nhau
Bây giờ người ở nơi đâu
Cầu Chày còn lại nỗi đau đôi bờ...
14/10/2017

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

KÌ DIỆU THÁNG MƯỜI











Bổng nhiên thấy mẹ vui lên
Như là tìm thấy cái quên lâu rồi
Mắt buồn, còn dõi xa xôi
Long lanh ngấn lệ, khoé môi đã cười
Dịu dàng hơn với mọi người
Vài lần lén trước gương soi một mình
Thần kì, như được hồi sinh
Tác phong như lính công binh mẹ tường
***
Tháng mười, se lạnh hơi sương
Bồi hồi nhớ những cung đường Trường Sơn
14/10/2017

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

BÀN CHO KĨ, NGHĨ CHO SÂU VỀ TĂNG TUỔI NGHỈ BHXH











Tăng tuổi nghĩ BHXH, đang cố làm bằng được !
Nếu tăng tuổi nghĩ BHXH nam 65, nữ 60, thi hãy qui định :”Nữ 50 nam 55 tuổi, chưa nghỉ hưu, thì bố trí làm việc khác, kiên quyết không bố trí làm lãnh đạo nữa". 
Nghĩa là không làm lãnh đạo cả đời. Thế là họ thôi, chẳng đề xuất nữa đâu. Khi ấy làm việc gì, thì khi hưu xơi lương việc ấy. Thế là thôi, khỏi ngồi vẽ làm gì.
Vẫn biết mọi thứ trên đời đâu phải là bất biến. Huống chi chế độ, chính sách là do con người đề ra, thì chính con người phải điều chỉnh cho phù hợp. 
Hãy đến nhà máy, hãy đến công trường mà xem, mà nghe mà lắng...
Nhưng lúc này tăng tuổi nghĩ hưu đã hợp chưa các vị ?
Mà sao không quy định là Phải 55 tuổi, đủ 30 năm công tác và đóng BHXH mới đủ điều kiện hưu? Cứ quy định cứng vậy đi ?
Bởi vì cứ cho khi đó 25 tuổi mới đi làm +30 năm công tác( làm 30 năm )= 55 tuổi nhỉ?Họ có sống, may ra  được 35 năm nữa, bằng số năm họ đóng BHXH, cũng là 90 tuổi, họ ăn của họ đóng góp, chứ có ăn của thằng nào mà lo họ sống dai. Ai đời chỉ mong họ nhanh chết để thừa quĩ BHXH mà tiêu sài ư 
Với những ai chưa đủ 30 năm công tác và đóng BHXH mà muốn nghỉ thì giải quyết cách khác, ví như quy định giảm mức % lương hưu, hay thanh toán một lần chẳng hạn...
Khổ lắm ! Người lao động lam lũ, lương thấp, chắt bóp chi tiêu, đóng BHXH rồi chỉ  mong từng ngày để về hưu.
Khi về, sức yếu mà nhiều việc phải lo từ đầu. Nhà cửa, cha mẹ già, con cái học hành
Có người bị toi, ngay khi vừa cầm sổ hưu.
Bình quân tuổi thọ tăng ư !
Đúng đó, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực nào ? 
Chắc không  phải ở chỗ chị em vục mặt làm ở công trường, nhà máy, còn phải nai lưng làm như trâu ngựa khi vừa về đến cổng nhà
Thế mà chưa được sống yên !
Bệnh tật triền miên, ung thư ào ào, đụng chỗ nào cũng bệnh
Khám định kì, chữa bệnh thường xuyên ư ?
Lúc đau còn cố cày cho xong buổi, khi quị gối, mới vội mang vô viện
Bệnh viện nằm ư ?
Muốn hiểu nhân dân hãy đi viện một lần...
Viện phí, ốm đau, tiền đâu? Chết mau là cái chắc.
Con cháu thanh niên không việc làm... học xong không biên chế, đâu đâu cũng thấy kêu thừa
Nhà nông thì đang trả ruộng...
Thế mà ngồi lo "Vỡ quĩ BHXH" mà kéo dài tuổi hưu
Ngụy biện thôi.
Nếu quản lí kiểu ni, như bài học BHYT lùng nhùng có gì không hiểu nhỉ ?
Kẻ quyền chức ngồi phòng lạnh đặt bày
Lo giữ ghế cả ngày
Nghĩ cảnh về hưu mà lo ngay ngáy.
Ngoài năm mươi, thế phòng ngự nhiều hơn tấn công.
Chưa nói cuối đời thu mình trong vỏ ốc.
Kinh nghiệm ư ?
Già càng hay bảo thủ ! Mắt mủi nhập nhèm, bắt cái ven, đâm mũi kim còn trật ! 
Lãnh đạo quản lý ư ?
Chỉ chăm chú lo cho chuyến tàu vét, cuối chuyến đi
Tư duy, sáng tạo gì, khi hoàng hôn nhiệm kì chỉ lo thu vén
Tuổi tác cao, đa số mắt lờ đờ
Tác phong chậm chạp
Nhớ nhớ, quên quên.
Thằng cha mới gặp, nhớ mặt, nghĩ mãi mà không ra tên?
Cái bút đang cầm, có kẻ xin chữ kí, vẫn chìa tay hỏi bút.
Cái kính hai tròng, trợn mắt phát kinh
Đeo trên mắt mà sờ tìm không thấy.
Cái khoá quần mỗi lần đi tiểu tiện 
Quên kéo lên, cứ mở thế mà dông...
Già rồi, lẫn quá, nghỉ thôi ông.
Lớp trẻ đang còn không có việc.
Xin cứ hỏi lòng dân cả xã hội này sẽ biết.
Việc đề xuất này may ra chỉ mấy ông, bà
Lưu luyến ghế, muốn cứa sừng làm nghé .
Về hưu thôi, để lớp trẻ họ làm 
Già tỉnh tâm, nằm mà hưởng lộc cho xong !
Nói là nói vậy thôi
Tăng, giảm gì, mặc kệ các ông. Còn nếu hỏi, thì trả lời Không, tuổi nghỉ hưu cũ nhìn chung là hợp lý !

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

TRẬN CHIẾN SINH TỬ







Mất hay còn chế độ, sẽ quyết định trong trận chiến chống tham nhũng, diệt giặc nội xâm lúc này !
Hơn 70 năm qua, có lẽ đây là trận quyết chiến với giặc nội xâm lớn nhất, ác liệt nhất, sinh tử nhất của Đảng ta, dân tộc ta. Kẻ vi phạm dù đã chui sâu, leo cao, dù đã núp cả trong cái vỏ an toàn nhất, từ kẻ đương quyền đầy ngạo mạn, đến kẻ đã về hưu, tưởng hạ cánh an toàn, nhưng 
có tội đều bị trừng trị. 
Dù mới chỉ có số ít con sâu bị lộ diện, hình thức kỉ luật có thể chưa thỏa đáng với tội danh, chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhưng lũ sâu không còn dám ngang nhiên lộng hành, kéo bầy, kéo đàn, kéo nhóm phá hoại vườn rau. Trận chiến chỉ mới bắt đầu, sẽ còn nhiều cam go, quyết liệt. Lò mới chỉ vừa nóng lên. Mong mọi người chung tay, cả nước chung lòng giữ nhiệt cho lò, chắc chắn lũ sâu mọt sẽ bị đốt cháy, bị tiêu diệt
Chúng ta đã thấy quá rõ tệ nạn tham nhũng này, ai ai cũng không đồng tình, ai ai cũng lên án. Bởi lẽ: Tệ tham nhũng đã có mặt từ cấp Trung ương, từ ông quan mũ mão cánh chuồn, áo cổ cồn, nơi cung cấm, cho đến tên cường hào mới ở mãi tận xóm làng xa xôi! Chúng tạp ăn và ăn đủ thứ. Dân tình thì chạy sái cả chân. Làm cái gì cũng phải chạy. Xin cái dấu cũng chạy, đi học cũng chạy, hộ nghèo cũng chạy, làm quản lí trường lớp cũng chạy, làm quan càng phải chạy. Chúng tuyên bố công khai, phải chạy mới có, và nhờ thế mà
 chúng giầu nhanh như ma quỉ, sống phè phỡn như đế vương, trên sự nghèo khó của người lao động. Ăn đủ thứ, có cũng đớp, không sẵn ngân khố thì vay nợ mà ăn, mà chơi, cho thỏa dạ thèm muốn bằng tiền thuế của dân. Người dân đã quá sức chịu đựng rồi.
Diệt tham nhũng lúc này đã quyết định đến tồn vong của Đảng, của chế độ. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đồng tình, ủng hộ Tổng Bí thư, với Trung ương trong trận chiến diệt giặc nội xâm này! Những kẻ thiếu tin và những bọn chống đối ư? Chúng ta hãy nhìn xung quanh thì sẽ rõ chúng là những ai ?
Không tiêu diệt tham nhũng lúc này, thì sẽ phải làm lúc khác, không làm bây giờ thì tới đây phải làm. Đó là tất yếu. Song, chậm lúc nào thì nhân dân khổ thêm ngày đó. Bác Tổng Trọng không làm, thì lịch sử phải chọn người khác làm. Đó cũng là tất yếu. Nhưng lịch sử đã chọn, Đảng đã chọn bác Tổng, nhân dân đã tin ... Xin bác Tổng Trọng hãy kiên quyết và cố gắng cho. Vẫn biết, gánh nặng lúc này đặt hết lên vai bác, khi lẽ ra bác đã đến lúc cần được nghĩ ngơi ...  Nhưng với sự dẫn dắt của bác, với sự đoàn kết và trí tuệ tập thể sẽ chiến thắng quân tham nhũng! Hãy tin tưởng ở Bộ Chính trị, ở quyết tâm của toàn Đảng và sức mạnh đại đoàn kết của 
dân tộc ta sẽ chiến thắng trong trận chiến diệt tham nhũng này !
2017
Khi lò đã nóng



Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

CON CHÓ CON GÀ ĐÂU LÀ CHUYỆN NHỎ

















Bạn đọc thân mến ! 
"Đồ chó chết, chết như chó và chết vì chó," dạo này lại đang nóng lên vì tệ trộm chó lại gia tăng
Quá bức xúc, lại nặng nghĩa "khuyển mã chi tình", tức vì bọn"Cướp chó chẵng ngó mặt chủ nhà", nên để những việc đau lòng đáng tiếc xãy ra.
Sự việc do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có phần do sự lơ là thiếu trách nhiệm của những người làm công tác quản lí và sự thiếu cảnh giác của nhân dân
Nhân sự kiện này, xin đăng lại bài thơ:
    CON CHÓ CON GÀ
ĐÂU LÀ CHUYỆN NHỎ    
Dân quê tôi
Nhà chưa phải lầu son gác tía .
Chưa có đồ cổ tha về từ tứ phía, muôn phương 
Chẵng vàng bạc, kim cương
Chẵng đô la, đá quí, chất đầy dương, đầy tủ .
Chẳng phải lo giữ bạc, giữ vàng...
Thức cả đêm không ngủ.
Cũng chẳng nuôi thú rừng, chim ưng, chim phượng.
Hay có "Khu rừng trăm tỉ giữa ruộng nương"
Cũng chưa nuôi gấu, beo.
Rào sắt kia, kín cổng cao tường.
Người dân quê tôi, nuôi con chó thân thương
Để chia sớt vui buồn
Để trông nhà khi ngủ..
"Khuyển mã chí tình", thuỷ chung với chủ 
Đã từ xa xưa tới nay                                      
Thế mà giờ bọn chó đến đây
Chúng trộm đêm và cướp cả ban ngày.
Chó nhỏ chó to, béo, gầy ...chúng đều bắt cả 
Nuôi chó giữ nhà
Giờ giữ chó, thật là tệ quá!
***
Dân tình âu lo, báo cáo với thôn với xã. 
Nhưng chẳng ai thèm ra tay 
Chó cướp ban ngày, cũng ngó ngây kệ nó…
Rằng: "Con chó, con gà, ấy là chuyện nhỏ "! 

Nhiều lần rồi, chuyện nhỏ cứ lớn thêm.
Dân trong làng phẫn nộ tự vùng lên
Bắt được trộm, tắt điện hô : "Chém chết ..."
Chuyện tưởng nhỏ
Máu đổ thành quyết liệt. 

        * * *
Xin hỏi rằng: việc lớn nào đây? 
Khi nhân dân vất vả tháng ngày.
Chỉ còn giấc ngủ say, qua một ngày mệt nhọc.
Nhờ con chó giữ nhà, con gà báo thức.
Bị cướp rồi
Quá bức xúc lòng dân.
Từ con chó, con gà
bọn trộm cứ lấn dần...
***
Hỡi những người "đầy tớ của nhân dân".
Xin được nhắc ngàn lần thế nữa.
Cướp, trộm chó, đâu còn là chuyện nhỏ .
Giữ yên dân, bắt đầu từ đó chứ đâu xa ...!
Quán Lào 31/5/2011

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

CỔNG LÀNG TỐ PHÁC





















Làng quê Việt xưa là cụm dân cư được thành lập trên cơ sở một bộ tộc, một dòng họ. Thành Hoàng làng gắn liền với tên tuổi người khai thiên lập địa hoặc người có công trạng với triều đình, với đất nước, được Vua ban đất, lập ấp, lập làng. 
Thời phong kiến, người xa lạ đến muốn ngụ cư phải đổi họ hoặc nhận làm con nuôi của người trong làng. Sau cách mạng tháng 8/1945 việc định cư do Chính quyền cấp có thẩm quyền quyết định, nên dòng họ trong làng đa dạng, phong phú hơn
Trong tâm thức người Việt, mỗi khi nhắc đến quê hương, không ai lại không nhớ đến hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình. Đồng thời cũng hiện lên hình ảnh cổng làng thân yêu, với tình cảm thiêng liêng cùng bao kỉ niệm êm đềm nơi chứng kiến bao thăng trầm và cũng là biểu trưng cho sự giàu nghèo, uy nghi, nền nếp riêng của làng mình. 
Làng bao giờ cũng có đường chính đi vào. Cổng gọi là cổng trước, thường về hướng Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của bình minh lên, là nơi đón người đi xa về, đón khách, đón lãnh đạo đến thăm. Nơi đón người đỗ đạt về vinh qui bái tổ, đón kẻ tha hương, cầu thực trở về bản quán. Và quan trọng nhất là đón dâu mới, nhập làng để cho làng ngày một nảy nở sinh sôi. Vì vậy Cổng làng chính là nơi đón nhận những gì tốt đẹp nhất - Đón sự sống, đón phúc lộc, giàu sang vào làng cho làng thêm trù phú
Lối đi sau nhỏ hơn, gọi là Cổng Hậu, có nơi không làm cổng, chỉ là lối ra đồng, hàm ý tiễn đưa, như đưa ma, đuổi kẻ tà tâm, trộm cắp, người vi phạm qui ước, người bị làng phạt vạ...
Ngày nay, cùng với sự đô thị hoá, Cổng làng có nơi không phân biệt chính, phụ nữa mà theo sự thuận tiện của việc đi lại là chính. Hứng lên, có nơi, họ bỏ cổng hậu, mà làm cổng chào Ngõ, vị trí tùy tiện, vào mà chẳng có lối ra
Đường đi từ cổng trước đến cổng sau là con đường chính của làng, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của làng đi qua. Bởi vậy Cổng làng có vị trí rất quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của con người, liên quan đến sự phát triển, sức khỏe, giàu có của dân cư trong làng. Cho nên vị trí cổng làng bao giờ cũng được xem xét kĩ càng về phong thủy, được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn, rộng mở và thoáng đảng, không bị uế tạp, lấn chiếm, thu hẹp, không bị kẻ xấu, tà tâm cản ngăn, làm hạn chế sự phát triển. 
Theo quan niệm xưa, sau cổng làng là anh em bà con dòng họ chung sống. Nên Cổng làng cũng ví như cửa của ngôi nhà chung. Ngoài cổng làng là kẻ lạ, người dưng. Đi ra xa nữa, sau cổng hậu, là ruộng đồng, là tha ma, đất chôn người chết. Cho nên dù là người làng, nhưng không may chết ở nơi khác, cũng không được đem vào trong làng như quan niệm rước ma về, đem tai họa cho làng. 
 Xưa lí trưởng có trách nhiệm cắt cử người trông coi, tu bổ, gìn giữ bảo vệ, đóng mở cổng, không để kẻ xấu vào làng. Ngày nay tuy không còn phải đóng, mở cổng, nhưng nhiệm vụ xây dựng, quản lí bảo vệ, gìn giữ cổng làng là trách nhiệm của toàn dân làng mà trước tiên là trưởng làng, ban công tác mặt trận thôn, là người chịu trách nhiệm trước dân, trước làng xã trong dựng xây làng văn hoá, xây dựng nếp sống nhân ái, đoàn kết nơi khu dân cư.
Mỗi cái cổng làng đều có một nét văn hoá riêng, cái hay cái đẹp, cái tiêu biểu được viết thành câu đối khắc trước cổng, thể hiện một phần của văn hóa làng.
Cổng là ranh giới và cũng biểu hiện quyền uy của làng:" Đất có thổ công. Sông có thủy thần". Nên ngày xưa, có làng còn dựng cả bia khắc chữ "Hạ Mã" ở bên cổng, nhắc nhở ai qua cổng, ngay cả những người quyền quý cũng phải xuống ngựa để tỏ ý tôn trọng lệ làng.
***
Cổng làng Tố Phác, Xã Định Hoà Huyện Yên Định cũng nằm trong hệ thống Cổng làng Việt chung đó.
Ông Tổ họ Vũ làng Tố Phác là ông Vũ Đình Tương, quan hộ giá nhà Lê. Do có công với triều đình, ông được cấp đất lập ấp ven sông Bồng Nga, đối diện với quần thể Phủ Nhì (điện Thừa Hoa ) thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông. 
Làng Tố Phác xưa chủ yếu là họ Vũ. Ông Vũ Đình Tương là Thủy Tổ họ Vũ nhưng cũng làThành Hoàng làng. Sau cách mạng tháng Tám, làng đông dân, đa họ và đông hộ hơn, nhưng đoàn kết nhân ái, cùng chung một Thành Hoàng
Trước đây làng có đình, có giếng, có cổng làng... Trong cải cách ruộng đất và trong phong trào Hợp tác hóa đã bị phá bỏ hết để xây dựng nền văn hoá mới XHCN.
Những năm đầu thập kỉ XXI, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, làng đã xây lại là nhà Văn hoá trên nền đất cũ, hướng cũ. Cổng làng được gia đình ông Vũ Văn Lẫu tài trợ, kinh phí bàn giao 75 triệu đồng. Ban công tác Mặt trận thôn chọn vị trí. UBND Xã xác nhận. Ông Lê văn Quyết tổ chức thi công theo bản vẽ của ông Ngô Văn Hải và đã khánh thành, bàn giao cho làng vào tháng 5/2010 và đó là tài sản chung của cả làng
Mong rằng làng và những người có trách nhiệm làm tốt công tác quản lí sử dụng. Chăm lo tu bổ để cổng làng đẹp, phong thủy, ngày mãi trường tồn, mãi là niềm tự hào chung của làng Tố Phác. 
Tháng 10/2016