Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Suy nghĩ TRƯỚC THỀM NĂM MỚI

 


Tôi vừa chặn một nic trên trang FB của mình. Năm mới, nhưng buộc lòng phải làm vậy
Vẫn biết không hay ho gì khi để một kẻ không cùng chí hướng lại đi cùng con đường với mình...
(Cũng như không bao giờ tôi tin cái ông dư luận viên Quang Lùn và chán luôn cả người sử dụng ông ta. Mục đích tốt, sử dụng người không tốt, gây phản cảm và tác dụng ngược)
Nhưng thời gian qua, tuy biết vậy" mình cứ để yên xem sao" và cũng để qua đó thu thập thông tin những mặt trái xã hội, cũng cố thêm chính kiến của mình.
Thế nhưng cáo vẫn là cáo và đã lòi đuôi cáo, khi bất kì việc gì của Đảng và Nhà nước ta làm, hắn và một số tên đều chống đối, phỉ báng và nói xấu. Thế thì cho vào nhà làm gì, mà không thẳng tay tống nó ra khỏi cửa?
Ở đời kẻ ranh ma, cơ hội phải là kẻ lập lờ đúng sai, nửa thật nửa hư, nửa dơi nửa chuột may ra còn có kẻ nhẹ dạ ngộ nhận. Còn hắn, hắn ra rả chửi tràn với những lời cay cú và tục tỉu...
Như mọi người đã biết, Đảng ta đã công khai thừa nhận và phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nêu về nạn tham nhũng, tiêu cực xã hội. Tham nhũng đủ thứ,”ăn không từ thứ gì”và đã thành quốc nạn.
Quản lí nhà nước lỏng lẻo, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng có nơi buông lỏng, mờ nhạt. Kinh tế làm ăn thua lỗ. Sự thất thoát tài chính một cách mờ ám của các doanh nghiệp nhà nước và còn bao điều nhức nhối đang làm cho cán bộ đảng viên, dân tình lo lắng.
Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ nhiều yếu kém. Bộ máy cồng kềnh, lạm phát bổ nhiệm. Tệ chạy chức chạy quyền, cả họ làm quan, cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ. Sự hãnh tiến vô lối, vội vàng, thiếu sự tôi luyện của một số cán bộ, những Thái tử non trẻ thiếu tố chất và sự tha hoá đạo đức xã hội lan tràn
Những thiếu sót, khuyết điểm, kể cả sai lầm và sự thoái hóa, phai nhạt lý tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo Từ TW đến địa phương đã làm dư luận bức xúc, xói mòn niềm tin gây nỗi âu lo, bất bình trong nhân dân.
Trước tình hình đó, với trách nhiệm của mình, Đảng và những người lãnh đạo của Đảng, nhà nước, như Tổng Bí thư, tập thể BCT, TW Đảng, Chính phủ và cả hệ thống chính trị đang trăn trở, lo lắng cho sự tồn vong, mất còn của chế độ và đang tìm mọi giải pháp, quyết liệt đấu tranh với giặc nội xâm, ngăn chặn, đẩy lùi và xoá bỏ chúng.
Những vụ việc tiêu cực, những vụ tham nhũng, bước đầu đang được đấu tranh, được điều tra và đem ra xét xử như ở Dầu khí, ở lĩnh vực Ngân hàng, ở BCT, ở lực lượng CA, QĐ, cả cán bộ cấp cao và một số tướng lĩnh, ở TW và ở tỉnh thành. Những Vũ Huy Hoàng, những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Ngô Văn Tuấn..., những ông to bà lớn, dù có bình che, lộng đỡ, nhưng vương tội tham nhũng, dù có chui nhủi hay vội cao chạy, xa bay cũng không tránh khỏi lưới trời
Tuy còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm như chưa làm rõ được nhiều vụ việc, có vụ việc làm chưa thật quyết liệt, sử lý chưa tương xứng tội danh. Đặc biệt có việc tìm ra thủ phạm nhưng chỉ đạo xử lí chưa đúng mức, làm kiểu phủi bụi, để cho nhân dân băn khoăn, kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc Kinh tế thất thoát chưa được thu hồi. Sự vào cuộc của các Tỉnh, Thành và cả cấp Huyện chưa mạnh, thiếu chủ động, biểu hiện tư tưởng trông chờ ở Trung ương, ở cấp trên, triển khai còn chậm và chưa đồng bộ.
Tuy vậy, đại đa số nhân dân ta, bạn bè ta và những người Cộng sản chân chính, luôn quan tâm theo dõi, phấn khởi với những kết quả bước đầu và tin tưởng ở sự thắng lợi trong cuộc chiến chống giặc nội xâm đầy cam go, quyết liệt này.
Thế mà một số kẻ chúng đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc.
Miệng chúng rên rỉ kêu la, ra vẻ lo lắng cho đất nước, to mồm la lối, đổ lỗi cho Đảng và nhà nước để xảy ra tiêu cực, tham nhũng và bất lực trước tình hình đó. Nhưng khi Đảng và nhà nước quyết liệt chống tham nhũng thì họ không có một ý kiến đóng góp xây dựng hoặc kế sách gì, hay chí ít cũng yên mồm cho người khác làm.
Các vụ việc phạm pháp, dù kẻ phạm tội là ủy viên TW, ủy viên Bộ CT, hay là "các Thái tử con trời", kể cả đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, bị phát hiện, đều được đưa ra xét xử, không có vùng cấm cho kẻ tham nhũng. Nhân dân ta phấn khởi, tin tưởng, thì chúng lu loa "Nội bộ, phe phái đang thanh trừng lẫn nhau"...
Từ chỗ các vụ tiêu cực không được đấu tranh, không dám đấu tranh, nay bị báo chí phanh phui, nhân dân tố cáo, phát hiện, thì chúng rêu rao " Càng chống càng thấy tham nhũng, chỗ nào cũng tham nhũng". Chúng gieo rắc sự hoài nghi "Nhiều thế, cả hệ thống tham nhũng xử sao hết, lấy ai mà chống...", và chúng là lối đòi thay sự lãnh đạo của Đảng, thay chế độ !
Thế là rõ ! Quanh co, vòng vo mãi, cuối cùng cái đuôi cáo cũng đã lòi ra, để lộ rõ bộ mặt phản động, bộ mặt cáo, chồn của chúng.
Đảng ta không dấu diếm khuyết điểm và trách nhiệm, khi để "một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất" và để tiêu cực tham nhũng thành quốc nạn. Đồng thời tìm ra những nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân yếu kém của công tác Tổ chức bộ máy và Cán bộ, của vai trò người đứng đầu. Từ đó đã và đang kiên quyết đấu tranh khắc phục những yếu kém này.
Một đảng dám chỉ ra những khuyết điểm của mình là một đảng mạnh. Đấu tranh không khoan nhượng, loại bỏ những biểu hiện, những hành vi đi ngược lại mục tiêu lí tưởng của đảng, càng thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của một đảng cầm quyền
Trước những việc TW đảng và nhà nước đang làm, ai có suy nghĩ gì tuỳ họ. Nhưng riêng tôi, tôi tin và hy vọng ở sự lãnh đạo của Đảng, ở thắng lợi trong cuộc chiến chống giặc nội xâm này. Tin ở ngọn lửa công lý và ở người đốt lò, giữ nóng nhiệt, thiêu cháy tất cả các loại củi, kể cả củi mục củi tươi, mang lại môi trường trong sạch cho đất nước này.
Trước thềm năm mới, năm 2018 tôi tin điều đó sẽ đến trong niềm vui chung của đất nước đang đi  trên con đường thắng lợi.
26/12/2017

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

SUY NGHĨ VỀ LỜI BÁC






“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”...(HCM)

Đảng đang tự chỉnh đốn, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất đang bị xử lý và tự đào thải. Tôi tin trong cuộc chiến diệt giặc Nội xâm này, Đảng ta, nhà nước ta và Nhân dân ta sẽ chiến thắng. Một Đảng có bản lĩnh Chính trị vững vàng, không xa rời mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, được nhân dân ủng hộ, luôn vì dân mà tự chỉnh đốn để đáp ứng vai trò lãnh đạo, thì Đảng đó là một Đảng chân chính. 

Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã bắt được sâu bầy, sâu to, đã cho được củi gộc, cả củi tươi vào lò, lại biết tin dân, tự chỉnh đốn mình... thì Đảng còn đủ mạnh cùng nhân dân diệt tham nhũng, xây dựng ngày một tốt hơn, chế độ mà nhân dân ta mong ước, đó là ”XH Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Mọi người đã đồng tình, hả hê vì Đảng và nhà nước đã trừng trị, đã tống cổ được bọn tham nhũng, đưa củi to củi tươi vào lò... thì hãy tiếp tục ủng hộ, cùng chung tay lượm củi, xây nhiều lò ớ địa phương mình, cùng chung tay dọn sạch rác rưởi, củi mục, củi khô... vào lò cho sạch môi trường. Hãy tin và cùng làm, sẽ hay hơn vạn lần kẻ ngồi đó kêu ca và chê bai !

VVL

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Với con em họ Vũ làng tôi!

 











Kính thưa các cụ các bác và bà con nội tộc 

Tôi có ý định viết lịch sử Làng và gia tộc họ Vũ Tố Phác. Có thể nói gọn là viết về: 

LÀNG TỐ PHÁC- THÀNH HOÀNG LÀNG VÀ ÔNG TỔ HỌ VŨ, tiếp nối công việc chưa thành của cố ông Vũ Kim Cầu, Vũ Đình Ninh, trong thực hiện mong ước của dân làng, họ tộc. 

Công việc trí tuệ, chữ nghĩa quả là khó khăn . Nhất là khi năng lực có hạn…. Rất may còn có những tư liệu quý của các cụ để lại và trực tiếp là Quan hệ thực tế, gia phong, gia tộc anh em trong họ, giúp tôi thuận lợi trong công việc. Nhưng cơ bản được trực tiếp đến với các bác, các chú, các cháu, các em trong làng…Biết thêm, hiểu thêm về gia cảnh, về cuộc sống của con cháu, nhân dân trong làng. Chia sẻ với những khó khăn, kể cả những bức xúc, ấm ức chưa hài lòng trong cuộc sống và cả của nhân tình thế thái . Nhưng cũng được chung niềm vui của mỗi gia đình, khi họ mới làm được nếp nhà, sắm thêm tiện nghi mới. Đặc biệt vui hân hoan trong tình anh em họ mạc khi được gặp mặt sau bao năm tôi chưa có dịp đến thăm. Thấy các bác, các chú các em và gia đình mạnh khỏe, con cháu HỌC HÀNH thành đạt. Thật không gì quý hơn điều đó. 

Những tình cảm quí trọng yêu thương đó càng như nhắc nhở tôi cố gắng lên đừng phụ lòng tin của mọi người. 

Mừng vì quê hương có nhiều đổi khác, như được thay da đổi thịt. Đường xá thì rõ rồi. Đó là tình hình chung của cả huyện cả tỉnh, nếu không nói là cả nước trong phong trào nhựa hóa, bê tông hóa đường làng ngõ xóm bằng xã hội hóa, có sự kích cầu của nhà nước. Nhưng cơ bản bằng tiền đóng góp của nhân dân. Trong khi dân làng còn nghèo, nhiều hộ còn vay nợ ngân hàng, có hộ mãi giờ mới thoát nghèo, bởi phải chắt chiu dành dụm cho con ăn học đến lúc trưởng thành. Nên làng mình làm được như vậy thật đáng tự hào. Các gia đình con cháu học hành thành đạt, thật đáng trân trọng cho sự học và hiếu học đó.

Tuy vậy qua tiếp xúc cảm thấy thu nhập của nhân dân còn quá thấp. 

Nguồn thu nhập để xây nhà cửa lấy sức lao động không kể đêm ngày của gia chủ là chính. Nguồn kinh phí chủ yếu là chi viện của con cháu làm ăn xa gửi về. Mà đồng tiền đâu phải lá mít dễ kiếm. Trong đó có người phải xa quê, tha phương nơi nước người làm thuê, hoặc kẻ bới đất nhặt cỏ, làm vập mặt cho thiên hạ mới có được đồng tiền. Ngoài chi phí cho bản thân cho cái gia đình nhỏ mới lập nghiệp, đã là quá giỏi, còn phải dành dụm ít nhiều gửi về cho cha mẹ ở quê, tu sửa nhà cửa, nộp các khoản đóng góp, cho bằng bạn bằng em, khỏi mang tiếng là đi xa mà chẳng có gì? May thay đồng tiền của con cháu được cha mẹ sử dụng tốt. Nhà có đất thì sẵn làm. Nếu mua đất thì cũng rẻ hơn phố phường nhiều, nên mới nhanh có được những sự đổi mới đó. 

Tôi muốn nói điều này để chúng ta tự hào với sự phát triển đó, đồng thời thấy được những khó khăn để chúng ta cân nhắc theo cụ thể của từng nhà, tránh huy động tiền của, dù là tiền dân làm cho dân nhưng phải khoan sức dân và tránh lãng phí.

Việc làng cũng vi như  như việc của một gia đình, việc gì cần làm trước, việc gì làm gì sau. Làm như thế nào? Có chừng ấy diện tích phải tính toán cho khoa học, không bày biện tràn lan, bặt đâu làm đấy, đã lãng phí lại không đẹp. Thời điểm nào làm phù hợp. Tiền nong ở đâu… Vợ chồng bàn cho kỹ đã. Việc nhà mình, mình quyết, nhưng có cái cần thiết phải tham khảo xin ý kiến. Cái hay thì học, cái xấu thì bỏ. Chưa giỏi giang gì mà tùy tiện lạm quyền, đang có cha mẹ, thì giữ tôn ty, đừng cá vượt qua đăng thì không nên. 

Nói dại, do không bàn kỹ,  không may có những sai sót, lúc đó, bỏ đi để làm lại thì gây lãng phí tiền của. Có cái không ưng, nhưng làm rồi, không phá được, phải để lại, thì phải tìm cách hạn chế bớt tác hại. Nếu không sẽ bị ám ảnh cả đời. Nhất là khi việc làm đó liên quan đến phát triển hay lụn bại của gia tộc, của nhiều người, nhiều đời… thì càng phải thận trọng. Qua nghiên cứu tộc phả, thấy các cụ ta khiêm tốn cầu thị lắm. Ngày nay Bác Hồ và Đảng ta cũng dạy cán bộ và Đảng viên như vậy. Có làm có sai, sai biết cầu thị đề sửa chữa, dân sẽ thông cảm tha thứ. Nhưng bảo thủ ngụy biện không chịu tiếp thu. Dựng khống nội dung từ các cuộc họp, tùy tiện bổ sung làm các nội dung khác, câu chữ mập mờ tìm cách đối phó, thì dân đấu tranh đến cùng để đi đến chân lý. 

Tôi ví dụ : Khi nào là Họ, là Làng, (Thôn thì nay thế nào. Ban liên lạc là gì? ) Quyền hành Ban liên lạc đến đâu, chứ ban liên lạc không thể quyết định thay cho họ, thay cấp có thẩm quyền.

Vừa qua, mới đi một số nhà trong làng, thấy nhà tuy nhỏ, trong thời bê tông xi măng sắt thép, nhưng họ không làm nặng nề, bố trí hợp lý trông đẹp lắm. Chứng tỏ gia chủ có kiến thức thẫm mỹ.

Nhưng có lẽ, làm tôi day dứt nhất là sự học hành của con cháu trong làng nói chung trong đó có họ Vũ. Tôi có vội vàng lắm không, khi nói việc học hành của làng nay có nhiều hạn chế. Đi từ đầu làng đến cuối làng, đi từ Chi nọ đến Chi kia, điểm từng ngành… thấy sự học yếu quá. Mọi người cứ nhẩm tính giúp tôi đi? Tại sao có tình trạng coi thường học hành như thế? Do kinh tế khó khăn phải bỏ học? Hay do nhận thức suy bì: Học cũng chẳng có ăn. Thiên hạ khối người không học vẫn giàu?

 Học để làm cán bộ, thì khối anh, trình độ có thế vẫn làm cán bộ đó thôi?

Rồi thì Họ tộc, làng ta có làm khuyến học không? Có vận động quỹ, có tới động viên, khuyến khích hộ nghèo vượt khó để cho con cháu đi học hay làm ngược lại? Tổ tiên dạy nhân bất học bất tri lý. Bác Hồ dạy học để làm người, làm cán bộ. Mình đã làm được điều đó đến đâu. Sử dụng quĩ khuyến học dân đóng góp thế nào? Ta chưa vội kết luận do đâu. Nhưng ta cứ thử nhìn lại Truyền thống xưa của tiên tổ ta, lời của Bác Hồ dạy, Nghị quyết của Đảng… làng mình thực hiện đến đâu?

Ấy! Tôi lại nói sang Làng rồi. Tôi là hậu duệ họ Vũ nhưng là dân làng Tố Phác. Dòng họ cho ta cội nguồn. Nhưng ta sống nhờ làng. Ở làng thì gắn bó, sống chết với làng. Đi xa luôn nhớ và khi già mong ước trở lại cố hương, mong có thác cũng được bên ông bà cha mẹ. 

Dòng Họ xưa sống biệt lập nào đâu phát triển. Chỉ khi đa họ, làng mới phát triển nhanh, mới phồn vinh giàu có. Ta sống với làng, làng nơi chôn rau, cắt rốn nơi nuôi dưỡng ta. Họ với làng chung một mảnh đất, một Thành Hoàng, sự tri ân và sướng khổ có nhau. Thế thì xây nhà thờ Thành Hoàng tại sao ta không phải là việc cả làng? Chưa nói làng, họ có quan hệ tình cảm láng giềng hoặc tình nghĩa sui gia? Cùng chung một chính quyền, một hệ thống chính trị? Do đó trong tôi, làng luôn trong trái tim. Làm gì có thể tốt đẹp cho làng tôi và gia đình luôn tự nguyện, kể cả giữ gìn phẩm chất đạo đưc cá nhân để khỏi tai tiếng, trước tiên cho gia đình, cho họ, cho làng. 

Rồi nữa, nhớ lời tiền tổ, từ cụ Vũ Huy, chọn nơi chín gò, nơi khí vương hội tụ, nên về mãi Phúc Kiến, mang hài cốt thân phụ sang để táng, nên mới có cụ tổ Vũ Hồn, nơi làng Mộ Trạch và con cháu họ Vũ, một trong dòng họ lớn của đất nước hiện nay. Bởi vậy bao giờ khu cát táng cũng phải sạch sẽ, an vui người chết, an lòng cho người sống. 

Còn nhiều điều muốn nói với làng với họ hàng con cháu, với trách nhiệm là hậu duệ, là người Chi2 dòng họ, đối với xã hội là nguyên lãnh đạo của huyện mà hiện tại nhiều người là lãnh đạo đương nhiệm từng là cán bộ dưới quyền. Nhưng có lẽ sẽ có một dịp khác 

Vấn đề cuối cùng 

Tôi vui cùng làng và chúc mừng Làng ta và họ Vũ có một thờ đường mới, nơi ta hương khói, nhớ ơn, tri ân người khai thiên lập địa, người sinh thành dòng họ. Tôi và gia đình cảm ơn những người có trách nhiệm của họ đã động viên con cháu là những người thợ đã lao động ngày đêm trong thời tiết khắc nghiệt để chúng ta có công trình này.

Với gia đình tôi, ngoài việc đã cung tiến xây cổng làng, đều cùng dân làng đóng góp xây nhà văn hóa làng 2 lần. Đóng góp với họ, tu bổ mộ tổ 2 lần. Như có cụ nói có khi 5 năm sau họ lại làm mới to hơn nữa…

Tôi thì mong những công trình thờ cúng mồ mả càng yên ổn cổ kính càng linh thiêng. Mấy năm rồi, làng liên tục làm việc này việc kia, động địa, kinh lắm rồi. -Lần này theo đề nghị, của con cháu, tôi đã tập trung nghiên cứu, chọn lựa các nội dung hoành phi câu đối, và đã được những người có trách nhiệm chấp nhận. Điều đó đã thể hiện sự ủng hộ của tôi trong việc làm mới từ đường 

Ngoài ý kiến của anh em bà con đã nói, tôi không nhắc lại. Cái cụ thể nữa, anh em bà con đến mắt thấy tay sờ mà suy ngẫm 

-Song tôi có những điểm góp thêm về cách tổ chức thực hiện. 

Thứ nhất làm rõ thẩm quyền người quyết định triệu tập và quyết định họp họ hay họp làng, hay phối hợp họp cả 2 thành phần. Trưởng làng là ai, có hay chưa? Mỗi khi có việc cần báo cáo với ai? Trưởng họ là ông Ninh, giờ ông đi xa, con trai trưởng là anh Yên, cháu đích tôn của ông giờ cũng đã trưởng thành. Nếu chưa đủ gánh vác thì giao cho ai? Cách làm thế nào? Do vậy ai thay mặt họ để triệu tập và Quyết định.cuộc họp đó mới là quan trọng.

Nếu các cụ hoặc ai đó nắm bắt được nguyện vọng họ và dân làng. Sau khi mời các cụ trong họ, báo cáo lại. Thống nhất mở cuộc họp họ, giao cuộc họp họ đó cho ai chủ trì nội dung thì đều được. Vì đúng người có thẩm quyền quyết định đã giao cho. Đúng thẩm quyền thì cuộc họp họ đó mới có giá trị. 

 Khi cả họ đã quyết định rồi, thì thống nhất giao cho ai thực hiện, chứ các cụ thì già, trưởng họ thì trẻ, đâu phải ai cũng ra đó mà làm được.

Lo từ thiết kế, mẫu dáng, thế đất hướng nhà, vị trí, kinh phí, nguồn huy động, ngày khởi công, hợp đồng thuê thợ… báo cáo lại các cụ biết.

Hết sức tránh cá nhân tùy ý. Việc của họ, không phải riêng vài gia đình. Không bàn kỷ, thiếu thống nhất sẽ gây bản cải. Nhất là trong huy động đóng góp.

Những góp ý chân thành của anh em bà con người có trách nhiệm phải tiếp thu, không bảo thủ.

Tôi nghĩ họ mạc là anh Yên phải gánh. Anh nếu yếu thì các con trai đều trưởng thành. Vấn đề anh Yên hay ai đó dù tài giỏi đến mấy cũng phải thực hiện có tôn ty kỷ cương dòng họ, báo cáo hội đồng dòng họ trước khi quyết định. Chứ không thể tùy ý.

- Ban liên lạc được chỉ định hoặc bầu ra chỉ là thực hiện giữ mối liên hệ dòng họ với bên ngoài. Tiếp nhận các thông tin, báo cáo lại trưởng họ, chứ không thể là người quyết định và càng không phải người triệu tập hội nghị dòng họ, nếu không được ủy quyền.

Việc họ càng không thể là “Thể theo NQ chi bộ cả thôn cả làng….”. Chỉ mong cái gì còn lệch thì kê lại cho đều, không ai lại đào sâu thêm để cho bằng. Vấn đề là cầu thị tiếp thu, tìm cách khắc phục. Đừng ngụy biện nói sai, ông Tổ buồn, Thành Hoàng làng buồn. 

Công trình sẽ hoàn thành, tất yếu nó phải vậy thôi. Có khởi công tất có Khánh thành. Xây và Khánh thành 

 nhà thờ Thành Hoàng, nên có sự tham gia của cả làng, ai cũng có trách nhiệm tham gia, trừ trường hợp đặc biệt. Không thể làm qua loa được. Khánh thành nghi lễ, tế lễ ra sao, bản thờ bát hương thế nào. Ai đứng tên, nhờ ai cúng bái? Ông Sum, ông Siêng, ông Kim, ông Chung, ông Gan, ông Hành, ông Cẩn…các bà các cụ cao niên trong làng, các cha chú trong họ trong làng, phải gắn trách nhiệm, đừng mặc các cháu, rồi ta phê phán hoặc sau này cả làng gánh chịu. Nhưng cũng không ai được chống lưng cho người làm sai? 

Bàn đi, cải nhau cho ra nhẽ cũng được. Không sợ đối thoại với dân, chỉ sợ xa dân, dân xa, chán không thèm nói nữa mới đáng sợ. Còn bàn đóng góp tiền chậm sau tý cũng được. 

Đảm bảo cho sự yên lành của làng quê trước mắt và lâu dài mới là tối quan trọng. Tiền nong yên tâm đi, khi thông rồi, dân làng sẽ đóng góp. 

Một số ý như vậy, là con em trong nhà có gì chưa thấu đáo, mong được mọi người lượng thứ. Công trình hoàn thành rồi, nhà mới, mong sớm chiều hương khói cho từ đường ấm cúng, cầu mong dân làng mãi yên bình, đoàn kết, phát triển dưới sự che chở của Thành Hoàng làng. 

Đôi điều như vậy. Xin được chúc sức khỏe  các cụ chúc sức khỏe mọi người.

 Xin được cảm ơn !

Tố Phác 3/9/2023






Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

ĐÂU LÀ BẢN GỐC









Tôi đọc đề thi 2016, xem họ bình và ... ngứa mồm nói tí :

"Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa"

Trộm nghĩ đây chỉ là một trong những câu thơ hay của bài thơ hay mà bác Vũ viết quá hay, từ đắt thế là cùng, rõ đến thế, hình tượng văn học hay đến thế ! Quả là :

"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". 

Tiếng Việt, ngôn ngữ Việt còn sâu, còn cay còn thâm thuý hơn Tàu nữa là ... Khi thì  mộc mạc, thật thà, chân chất, không chau chuốt khách sáo xu nịnh. Ví lởm khởm, nhấp nhô như đất cày, nhưng vẫn say nồng hương đất quê ta, dù cho sự thật có mất lòng, trung ngôn tuy có nghịch nhĩ. Nhưng lại có khi "lời nói không mất tiền mua.." Nên lựa lời mà nói, nói ở tận đây mà chết mãi cây Hà Nội kia, nói thế này bẻ xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Tưởng ngọt ngào mà lời còn cay hơn ớt đó, nhưng vẫn êm tai nhẹ nhàng. Người Việt là người duy tình mà. Ngôn ngữ từ đó cũng biến thiên, khen hết từ, ghét xúc đất đổ đi.

 Nhưng hơn tất cả, trên tất cả, tiếng Việt là tiếng của ông cha, tiếng của chúng ta, nó đúc kết chắt chịu từ lao động để sống, đấu tranh, để tồn tại. Chúng ta đấu tranh để gìn giữ tiếng Việt và sự trong sáng của tiếng nói ông cha, mặc cho nghìn năm phong kiến Phương Bắc đô hộ, chúng sát phu dâm phụ, xoá lịch sử, bỏ chữ viết, định đồng hóa một dân tộc, làm mất đi tiếng nói của dân tộc Lạc Hồng. Nhưng tiếng Việt qua thăng trầm, gian khổ, cơ cực và qua tàn phá của kẻ thù vẫn trong sáng, đầy yêu thương nhân ái, nhưng cũng rõ mặt bạn thù, kẻ tốt người xấu, để đối nhân xử thế.

Tiếng Việt từ đó mà hình thành theo nhân cách riêng có của người Việt, không thiên lộn, nói một đàng làm một nẻo, nói hay làm đểu như Tàu...Còn khi yêu quí nhau, dành lời yêu thương cho nhau thì lại mềm mại, mịn màng như lụa, ngôn từ trong sáng, âm tiết nhẹ nhàng như giót mật vào tai

Ôi ! Cả bài thơ của bác Vũ đã thể hiện vằng vặc như sao Khuê... không như hiểu như cái ông gì đó bình, sửa thơ của bác Vũ. Mà sao ông không sửa " Ôi tiếng Việt như xa tanh, như lụa " cho nó chết tiệt cái thăng hoa của thơ ca đi nhỉ !

TIẾNG VIỆT ( Lưu Quang Vũ)

Tiếng Mẹ gọi trong hoàng hôn khói xẫm                        

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về                                   

Có con nghé trên lưng bùn ướt xẫm                               

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre                                  

                                                                                        

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng                           

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya                          

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng                                 

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê                           


Tiếng Cha dặn khi vun cành nhóm lửa                          

Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi                              

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ                                    

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời                                     


“Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt…”                                  

Đi mòn đàng đứt cỏ đợi người thương                              

Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót                               

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng                            


Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói                               

Vầng trăng cao như cá lặn sao mờ                              

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa   (1)                                

Óng tre ngà và mềm mại như tơ                                    


Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát                            

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh                                     

Như gió nước không thể nào nắm bắt                                

Dấu huyền trầm bên dấu ngã chênh vênh                           

                                                                                         

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy                                                     

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường                               

                                                                                                

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận  (2)                                                     

Như tiếng lòng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ gối lạy cha già                                  

                                                                                           

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng                            

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi                              

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán                                       

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời


Trái đất rộng giàu sang nhiều thứ tiếng

Cao quý thâm trầm, rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo, như giây đàn máu nhỏ


Buồm lộng gió xô mai về trúc nhớ

Phá củi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng ngẹn ngào như lời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt


Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn 

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời


Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu 

Điều anh nói hôm nay chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu                           

    

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Có cùng tôi trong tiếng Việt quay về


Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ    

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình. (3)                                                                       

  Lưu Quang Vũ          

“Tiếng yêu của những ngày xưa

 Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta”

 Xuân Quỳnh

(1),(2),(3) là những câu nguyên bản gốc viết tay sau này đã được chỉnh sửa như sau:

(1) Ôi tiếng việt như đất cày, như lụa

(2) Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

(3) Tiếng việt ơi, tiếng việt ân tình

(Theo bản gốc do PGS-PTS Lưu Khánh Thơ.

Em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ cung cấp)

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

GIỖ QUÊ VÀ NHỮNG QUAN NIỆM


















Đời người là một chu trình “Sinh, lão, bệnh tử". Bởi vậy nhà ai cũng đều có giỗ. Người Việt Nam là người duy tình. Cái tình cái nghĩa nặng lắm.

Ngày húy kị ông bà, cha, mẹ. Con cháu, dù làm ăn ở đâu cũng về chịu lễ. Đó là Đạo lí làm người, cả hiếu, cả tình, nặng lòng tri ân của kẻ cháu, con. Trừ  trường hợp bất khả kháng, hay do làm ăn, cư trú nơi xa không thể về được cố quê, phải hương khói bái vọng nơi xa. 

Ngày húy kỵ! Người giàu có thì làm cỗ sang. Nhà nghèo, không có tiền, cũng có bát cơm, canh cúng ông bà, cha mẹ. Vợ chồng thành tâm, cháu con, anh em xôm tụ. Tất cả đều là hiếu đễ. Miễn là từ tấm chân tình.

Hay ho gì khi cha mẹ còn sống, không cho nổi bát canh, không mua nổi manh áo. Ốm đau, không ngơ ngó, không giặt nổi chiếc áo, cái quần... Giờ cha mẹ chết, ma to, cỗ lớn, để làm gì?

Việc thờ cúng, nhà nào, người nào cũng vậy. Dù giàu hay nghèo khó, nhà to hay nhỏ, cũng dành nơi quan trọng nhất trong nhà, là nơi để bát hương, di hình ông bà, cha mẹ làm nơi thờ cúng.

Nhưng ngày nay, giỗ chạp, nghe mà cay nơi khóe mắt...!

Thiên hạ, người giàu có, nhiều tiền của, khoe sang, làm cỗ thật to, khách mời thật đông. Sang chọe thì đi nhà hàng, ở làng thì dựng rạp. Rượu ngà ngà thì mở loa hát ca, cứ như là đám hỷ. 

Hại thay, người không có cũng đua đòi, bắt chước hoặc là phải trả nợ miệng

Việc dành nơi thờ cúng cũng vậy. Người làm ra lắm tiền, xây nhà thờ to, đúc tượng đồng lớn thờ bố mẹ cũng tốt. Nhưng đồng tiền bẩn, do tham nhũng, hối lộ… Thì có làm nhà thờ to, hoành tráng đến mấy cũng mất thiêng. 

Lại có kẻ nhà to, phòng lắm, lại để nơi thờ cúng tiên tổ, ông bà cha mẹ lên chót vót cầu thang, cứ như dấu cho khuất vậy. Mùa đông giá lạnh, mùa hè nóng vãi linh hồn, toát mồ hôi tiên tổ… thì còn đâu mát mẻ phúc nhà. 

Mồ mả là quan trọng. Ông bà, cha mẹ, người thân, khi về trời, chọn nơi an nghỉ, mồ yên mả đẹp là một trong những trách nhiệm, đạo hiếu và cũng là nỗi lo của kiếp người. 

Quan lại ngày nay, càng quan to, lại càng chơi hoành tráng! Họ tìm nơi đất vàng, chọn hướng xây mã to, xây nhà thờ lớn, mong cho mã kết, thờ thiêng, con cháu kế nghiệp làm quan đời đời.. 

Mà mã to làm gì, ngoài mục đích chiếm đất! Dân gian thường nói “To như mã Thằng ăn mày”, chứ nào đã tôn trọng gì. 

Những điều trên, nói là nói vậy thôi, âu cũng là tùy theo thực tế và quan niệm của mỗi người. 

Con và của không ai chê ít. Có con, đông con, đó là mong ước đã thành khát vọng của ông bà thân sinh ra chúng ta xưa. Thời nay, đẻ con nhiều, đã thành lạc hậu. Chỉ khi về già, bệnh tật…Dù có ở trong nhà dưỡng lão đủ đầy vật chất, nhưng chắc rằng sẽ thấm thía nỗi cô đơn!

Xưa, có gia đình lận đận sinh con nhiều bận, nhưng không nuôi được, phải đi cầu tự, nhờ thầy yểm bùa hoặc nuôi con nuôi. Rồi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Thành tâm nguyện cầu, ăn ở phúc đức, trời Phật thương, thì cầu được ước thấy.

Đặt tên ư ? Tên gọi rất quan trọng với một người, vì nó gắn với chúng ta cả cuộc đời. Do vậy, tên người chẳng những ảnh hưởng đến tiền đồ sự nghiệp mà còn sẽ tác động đến tâm lý chính chủ nhân của nó. Ngày xưa ông bà quan niệm nam văn, nữ thị để phân biệt giới tính, giờ thì lộn lèo. Xưa, đặt tên theo vần tên cha mẹ, theo dòng nòi, giống. Nhà khó nuôi con, phải đặt tên con cho xấu, để khỏi quỉ ghẹo, ma trêu, như tên thằng buồi, cái đĩ, cái sắn, thằng khoai... 

Ngày nay thiên hạ  đua nhau đặt những cái tên thật kêu, thật oách nghe là lạ.  Thậm chí đặt cái tên dở tây, dở tàu, chỉ mong khác người. Rồi thì tranh nhau đặt tên của những người đẹp, nổi tiếng như Mỹ này, Hồng nọ,  Gia kia. Những là Aí Mỹ, Bảo Xuân… thôi thì đủ thứ. Ngày xưa các cụ dạy “ lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống “. Nay thì đẹp chẳng cần phải từ giống nòi, tông, giống. Tài năng chẳng cần luyện rèn…  Miễn  cứ ước mong tên lạ sẽ đẹp, hát sẽ hay, sẽ cho giàu tiền lắm của, rồi tiếm đất xây biệt phủ, không phải nuôi lợn, chạy xe ôm, bán chổi đót… mà vẫn giàu!

Mong là mong vậy, nhưng cũng có người toại nguyện, người không. Nòi nào giống nấy, cũng như thầy tu thì mặc áo tu. Nhưng cái áo không làm nên thầy tu là vậy ! 

Mà cũng lạ, cái tên thằng Tham, con Nhũng, là nguyên cớ nhanh giàu, mà sao cũng ít người đặt 

Trộm nghĩ: Mỗi cái tên cha mẹ đặt ra dù hay, bay bướm, hoạc trần trụi...  đều mang ý nghĩa, sự gửi gắm của người thân yêu mình. Còn thiên hạ có cái để gọi, để phân biệt, để kính trọng hay để khinh bỉ, nguyền rủa...Tùy ở tình cảm mỗi con người. 

Cứ như tên Trạch Văn Đoành có nổ, cũng chẳng làm ai sợ. Tên Huệ, Bích, Hồng, Hương... nếu tâm ác cũng chẳng tạo nên vẻ đẹp. Xấu ma chê quỉ hờn như thị Nở, khi yêu, anh Chí cũng thấy đẹp đến rạng ngời! Bởi vậy, tạo được vẻ đẹp chủ yếu nhất vẫn là cái tâm.

Người Việt ta duy tình. Trăm lý không bằng tí tình. Máu chảy ruột mềm.Tình cảm có khi còn trên cả lý trí.  Phải chăng, bởi do từ nền giáo dục, truyền thống và bản chất gia đình, mà ta thường nặng tình, nặng gánh con cái. Quý tình nghĩa hơn cả chức quyền, tiền bạc và luôn nhắc truyền thống cho con cháu học tập, làm theo gương ông cha Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Yêu quý thương yêu các con hơn cả cuộc đời mình. Thương yêu chúng mê muội đến mức như “cá chuối đắm đuối vì con”. 

Bởi lẽ: có yêu thương, quý trọng gia đình thì mới biết yêu thương quý trọng người ngoài xã hội. Âu cũng là nhân quả vậy !

Nhân khi đang giản cách mùa Cô vít, nhàn đàm, ngẫm tý cho khuây.

Bạn Fay ai vào đọc, đồng cảm thì Thanhkiu, không ưng thì cho qua, xin đừng gạch đá! 

10/10/2021

Suy nghĩ về tổ chức KHỞI CÔNG XÂY DỰNG MỚI NHÀ THỜ ÔNG VŨ- Đình-TƯƠNG, THẦN HOÀNG LÀNG TỐ PHÁC

 







Nhận được điện mời về dự lễ động thổ, làm mới nhà thờ ông Vũ Đình Tương, Thủy tổ họ Vũ, nhưng cũng là Thành Hoàng của làng Tố Phác.

Thật là vui và mừng lắm.

Mừng vui vì con cháu hậu duệ của ông Tổ đã trưởng thành, có tâm huyết. Người có trách nhiệm biết chăm lo từ mộ phần, xây nơi thờ tự Cụ Tổ, đến lo cho cuộc sống thực tế của dân làng, dòng họ.

Người ở nơi xa thì quan tâm. Có điều kiện thì góp ý, góp kinh nghiệm. Kể cả đóng góp kình phí, góp phần vào xây dựng công trình tâm linh, đạo hiếu của làng. 

Vui vì mong ước của cả làng, trong đó con cháu họ Vũ được thực hiện.

Từ nay con cháu họ Vũ sẽ có nơi khang trang để hương khói, tri ân tổ tiên. 

Dân làng có nơi khang trang, thắp nén tâm nhang, tri ân Thành Hoàng làng- Người khai thiên lập địa, cho lòng mỗi người thanh thản, vì mình đã sống biết ân nghĩa, có đạo hiếu. Để rồi cùng đoàn kết, chung tay làm giàu cho quê hương, xây dựng làng văn hóa, thôn văn hóa mới, làm gương sáng cho con cháu noi theo.

Làng nhỏ, hơn trăm hộ, chỉ mấy trăm khẩu, chưa giàu có, lại vừa trải qua dịch Cô vít, nhiều hộ kinh tế còn khó khăn. Nhưng việc hiếu đễ, dân làng đã quyết định thì là quyết tâm lắm.

Bên cạnh niềm vui, nỗi mừng đó, tôi cứ băn khoăn khi việc hệ trọng mà làng vắng nhiều và để lại nhiều dư luận.

 -Một số dân làng không đồng tình với cách làm. Cho rằng có sự phân biệt, cho đây là việc của họ Vũ. Không phải việc của Làng, mặc dù Làng chung một Thành Hoàng. Nên chỉ có một số trai, gái, râu, rể… hậu duệ họ Vũ đại diện. 

“Chúng tôi vẫn biết: Họ có những việc thuộc riêng nội bộ của Họ và phải là người đủ thẩm quyền triệu tập họp Họ và Họ quyết định. Nhưng cũng có việc của Họ, cũng chính là việc của Làng, thì phối hợp cùng trưởng Làng để cả làng giải quyết. Trong khi một cụm dân cư, một Thôn có thể có một hay 2-3 Làng, trong đó có thể có nhiều dòng Họ sinh sống. Nhưng mỗi vùng đất to, nhỏ đều có thổ địa riêng cai quản. “Đất có thổ công. Sông có hà bá”. Nhất là đất đó do khai phá của một người cụ thể, đã được phong Thành Hoàng.

Bởi vậy, việc làm nơi thờ cúng, tri ân sẽ là trách nhiệm chung của Làng, của mỗi hộ dân cư ngụ trên đất đó. Chứ không phải là riêng của một dòng họ nữa và càng không phải là việc của người không phải vai trách nhiệm, mặc dù họ có tiền hoặc có quyền. Mà có tiền, quyền họ cũng có cho không Làng, cho không Họ đâu? Của dân, của Họ đóng góp cả. Được tiếng được miếng cả…”

Tôi hỏi: “ Nghe nhà thầu cho nợ tiền 2 hay 3 vụ phải không? “

-Khi dân trí thấp. Nghèo được cho nợ là khoái rồi. Mà tiền chịu, không phải là tiền và không phải trả ư? Phải làm cấp bách đến thế ư? Sau dịch Cô vít. Bao người muốn xin được làm! Sao không đấu thầu, rẻ được đồng nào, đỡ cho dân đồng ấy…”. 

Người ủng hộ thì nói “Dân làng tán thành làm, chỉ băn khoăn về việc không được dự bàn, cách thức tổ chức thực hiện không bàn kỹ. Ba người đã là Gia Cát Lượng, tránh được sai xót. Nhất là việc liên quan đến sự yên ổn đến phát triển hay suy vong sau này của cả Làng cả họ. Vì “ăn có mời. Làm có mượn”. Việc Họ, việc Làng, dù muốn tham gia bàn, dù là có quyền lợi, cũng phải được người có thẩm quyền đồng ý. 

Ôi ! Đấy chỉ là dư luận. Nhưng dư luận thế gian như làn sóng biển, kẻ nào coi thường sẽ bị sóng cuốn trôi. 

Thiển nghĩ: Dòng họ chỉ là phạm vi hẹp. Làng, xã, đất nước mới là rộng lớn. Bách tính, trăm họ, sống cùng chung mảnh đất hình chữ S, lại chung một mẹ Âu Cơ, một cha Lạc Long quân… mới tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt. Sáu mươi ba dân tộc, trăm họ một nhà, không phân biệt đối xử thì mới tạo nên sức mạnh Việt Nam. 

Người lãnh đạo, dù to nhỏ phải biết được điều đó.

***

Gặp gỡ anh em, con cháu trong họ, cũng như một số người trong làng. Hỏi chuyện một vài Đảng viên cao tuổi Đảng, một số cán bộ CCB; một vài người hiện đang công tác ở thôn, xã. Một cụ tôi gọi là anh, tuổi nay ngoài 80 khi được hỏi, nôm na anh nói:

-Cuộc họp hôm đó thằng T và thằng K chủ trì. Không phải là người Trưởng chi nào cả. Cũng không phải là họp làng…

Người ủng hộ thì rõ quan điểm:

-Với con cháu họ Vũ, xây nhà thờ Tổ, vừa là trách nhiệm, là đạo lý, vừa là mong ước. Ai đứng ra làm cũng được, nhưng phải công khai dân chủ, thống nhất cách làm 

-Đối với dân làng, dù khác họ, nhưng có người đã mang họ Vũ từ lâu. Cũng có người là mối quan hệ thắm thiết, như sui gia, láng giềng và cùng chung sự quản lý của một chính quyền, sự lãnh đạo của một Cấp ủy. Nhưng cơ bản, họ đang an cư, lập nghiệp trong cùng mảnh đất văn hóa Tố Phác, cùng chịu hàm ơn một Thành Hoàng. Nơi đây chính là Làng của họ, họ đang đoàn kết, bình đẳng không phân biệt, để cùng nhau xây dựng làng văn hóa Tố Phác, Thôn Tố Lai, trong xã nông thôn mới nâng cao. 

Đây cũng là trách nhiệm, là văn hóa, là cái “tâm tri ân, uống nước nhớ nguồn”, trong đạo hiếu nhân văn của người Việt Nam. Chứ không để mang tiếng là kẻ ăn nhờ ở đậu, vô ơn. Cùng chăm lo xây dựng nhà thờ, hội nhập với cộng đồng, chúng tôi thấy lòng mình thanh thản và đó cũng chính là nền tảng xây dựng sự đoàn kết thống nhất, một trong tiêu chí cơ bản của một làng văn hóa. Do đó họp Làng để cùng bàn cùng làm là đúng nhất.

Mặt khác, khi dân cả làng cùng chăm lo, thì sức mạnh tăng lên. Đối tượng tham gia tăng, không phải phân biệt. Cả làng. “Xúm xít như dết nhiều chân”, nhiều người chia sẻ, thì gánh nặng đóng góp giảm đi. Cũng như là nhiều cây chụm lại nên rừng vậy”!

Suy nghĩ đó, theo tôi là rất đúng

Tôi hỏi chú là Đảng viên cao tuổi Đảng trong họ 

- Ta làm có báo cáo tổ chức không chú?

- Việc của Họ là do trong Họ họp bàn quyết định. Liên quan tới Làng thì phối hợp cùng trưởng Làng để thống nhất. Dù chung một Cấp ủy, cùng trong một Thôn, nhưng là việc của Họ, của Làng. Chi bộ không ra Nghị quyết làm thay. Nhưng với Họ, trước khi làm phải báo cáo, để Chi ủy Chi bộ ra Nghị quyết Lãnh đạo, phân công Đảng viên là người trong Họ, trong Làng, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất. Bởi việc của Họ, nhưng liên quan đến đóng góp, đến sức mạnh đoàn kết của dân Làng. Yêu cầu đại diện Họ và Làng, phối hợp cùng tổ chức cho dân Làng đi họp đông đủ, bàn kỷ thông suốt. 

-Chi Bộ không ra Nghị quyết sai thẩm quyền, không Nghị quyết làm nhà thờ cho Họ Vũ…Nhưng yêu cầu dòng Họ, con cháu họ Vũ phải gương mẫu, làm nòng cốt cho dân làng. Mọi vướng mắc, trong Họ tự giải quyết. Nhất là trong tự nguyện đóng góp. Tránh áp đặt, bàn chưa kỹ mà đã quyết định. Họ hay Làng cũng là dân. Dân chưa thông, việc thu đóng góp sau này sẽ khó khăn. 

Là công trình tâm linh của cả làng cả họ, nên phải hết sức cẩn thận. Công khai quy mô, hình thức. Thiết kế kiểu dáng, hướng nhà, thế đất. Tổng dự toán công trình. Cách thức huy động vốn. Chọn đơn vì thi công bằng đấu thầu hay quyết định chỉ định thầu, để có chi phí thấp nhất, giảm sự đóng góp của dân?

Đây là suy nghĩ tích cực, đúng nguyên tắc, đúng cơ chế lãnh đạo, chặt chẽ cụ thể. Đó cũng chính là những yêu cầu mà những người có trách nhiệm phải được triển khai đến người dân. Làm được vậy, sẽ đảm bảo đoàn kết thống nhất, tránh được dị nghị.

Qua những dư luận trên, và qua việc làm thực tế, thiết nghĩ cả về phía Họ và Làng cần phải rút kinh nghiệm. Nhất là về tôn ty kỷ cương trong dòng Họ, kết hợp với việc Làng xã và trong tổ chức thực hiện.

Đã là việc Họ phải là người trong họ được phân công, hoặc do Trưởng Họ điều hành. Đã là Trưởng họ, có hèn mọn vẫn là anh, là trưởng, không thể lấy em, lấy cháu, hay người khác có năng lực hơn để thay thế, mà chưa được ủy quyền.

Thứ hai, dù là người trong chi trưởng, nhưng chỉ là hàng cháu chắt, khi các Cụ các ông bề trên thuộc hàng ông, cha đang còn sống, thì cũng không được tiếm quyền, để tùy tiện quyết định, vượt quyền các Cụ. Ngày nay mọi sự đã khác. Nhưng bài học xưa, vua chúa phế trưởng, lập thứ là tai họa, mà lịch sử đã minh chứng. 

Với các Cụ, dù tuổi cao sức yếu, nhưng trách nhiệm vẫn phải chủ trì triệu tập họp để bàn và kết luận. Nhưng đến việc làm, sẽ ủy nhiệm, giao cho con cháu làm. Không được viện lý do để lẫn tránh trách nhiệm. Đất nước xưa có Vua đã trưởng thành, vẫn có hội nghị Diên Hồng là vậy. 

Ngược lại, có người dù là bậc cha chú, việc chưa bàn kỷ, cũng không chống lưng cho con cháu làm sai kỷ cương dòng họ. 

Cuộc họp họ, do trưởng họ điều hành. Còn cuộc họp của Làng phải do Trưởng làng điều hành. Cuộc họp của Làng, không thể thay thế cuộc họp Họ và ngược lại. Khi cần thì đồng chủ trì. Còn không, đây chỉ là việc của hai cá nhân, thỏa thuận làm với nhau. Đúng sai, tiết kiệm hay lãng phí… cả Làng hay cả Họ, không chịu trách nhiệm, kể cả trong việc làm và cả trong đóng góp.

Nay việc đã vậy, thiết nghĩ cũng do sự kém hiểu biết. Nhưng cái tâm là trách nhiệm với tổ tiên, và việc xây dựng nhà thờ cũng được đa số ủng hộ. Có gì chưa chu đáo cần rút kinh nghiệm. Nhưng cơ bản là phải cầu thị và khiêm tốn lắng nghe, khắc phục, không biện luận, lấp liếm.

Trước mắt, cần làm thông tư tưởng với dân làng, dòng họ, để mọi người ủng hộ. Tập trung thi công, cho công trình sớm được thành công. 

Khi làm thì dân phấn khởi. Ngày khánh thành, cả làng hân hoan, càng thêm đoàn kết, gắn bó.

***

Công trình nhà thờ Tổ, Thành Hoàng làng Tố Phác là việc tâm linh, là việc làm đạo lý của con cháu và dân làng.

Mong rằng mọi việc hanh thông, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Nhưng không làm ẩu, vội vàng.

Dân làng đã đoàn kết trong việc làm. Xây xong công trình, dân làng, dòng họ càng đoàn kết, yêu thương gắn bó nhau hơn. Để Tố Phác mãi trường tồn, giàu đẹp và văn minh!

24/5/2023


Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Họp lớp KỶ NIỆM 50 năm ngày tựu trường

 







Kính thưa các thầy giáo

Thưa tất cả các bạn

Thế là sau 50 năm, như những đứa con đi xa, nay được về nhà. Chúng ta hân hoan, tay bắt, mặt mừng trong niềm vui xôm tụ.. Xin chúc mừng sự đoàn viên của tất cả chúng ta. Xin được chung vui với những niềm vui, hạnh phúc của mỗi người và xin được sẻ chia những nỗi buồn, những mất mát riêng tư cùng các bạn.

 Cảm ơn các thành viên trong ban liên lạc đã nêu cao trách nhiệm, chung tay cho công việc chung. Cảm ơn sự nhiệt tình của tất cả các bạn, để có buổi họp mặt hôm nay! 

Thưa tất cả các bạn

Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Từ khi ta oa oa khóc tiếng khóc chào đời, đến khi  về với tổ tiên là cả một mối quan hệ chằng chịt, với bao kỉ niệm, dấu ấn không nhoà. Nhưng với lớp ta, có lẽ ghi đậm nhất, đọng lại nhất trong mỗi chúng ta là ngày tựu trường, tập trung về Bái Thủy, Định Liên, địa điểm của Trường Cấp 3 Yên Định khi đó, cách đây 50 năm, nửa thế kỷ, nửa của một kiếp người! 

Phải chăng đó là lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ, người thân, để theo đòi đèn sách, với những ước mơ cháy bỏng, cùng những hành xử đầu đời, trắng trong như trang sách học trò, mà suốt cả quãng đường 50 năm qua, ta kiếm tìm mà chưa hề gặp lại?Bởi vậy, cái ngày ấy của thế hệ chúng ta đã thành thiêng liêng, ắp đầy cảm xúc và ghi đậm dấu ấn không nhoà. Điều ấy cũng phần nào lý giải vì sao từ lúc ấu thơ, đến khi đã thất thập cổ lai hy, đã là ông là bà, đã qua bao trường, bao lớp, qua những Hội, những cơ quan, cả Đảng cả Đoàn... cả kẻ nơi trận mạc, kẻ chốn quan trường hay người ở lại quê hương...  nhưng “Kỉ niệm xưa” ấy vẫn cứ mãi sống trong ta. Và lạ kì, ngày lại càng hiện diện nhiều hơn, sâu đậm hơn theo độ dày năm tháng. Khi mỗi chúng ta ngày mỗi yếu đi, già đi theo quy luật cuộc đời? Và phải chăng nữa, tuổi già nhu cầu được sống lại cùng kí ức, cùng hoài niệm, mà day dứt, mà nấu nung, mà thôi thúc mỗi chúng ta trăn trở tìm về...

Cùng chung ý nghĩ đó, một số bạn đã yêu cầu Ban liên lạc lớp tổ chức buổi gặp mặt, nhân 50 năm ngày tựu trường của lớp chúng ta. Có bạn còn hào hứng “Cứ triệu tập đi, kinh phí tôi chịu...”. Thể theo nguyện vọng đó, Ban liên lạc đã tìm địa chỉ, đã thông báo tới các bạn và các bạn đã nhiệt tình ủng hộ, nên mới có buổi họp mặt hôm nay .

Thưa các bạn

Tiếp theo kỷ niệm 40 năm ngày ra trường(3/2011). Hôm nay, chúng ta, những bạn cũ, lại tề tựu về đây, mừng vì có thêm những bạn cũ, nhưng tận 50 năm mới lần đầu gặp lại. Song, trong niềm vui đó, chúng ta bùi ngùi tưởng nhớ thầy Chủ nhiệm, các thầy cô, cùng một số bạn đã vĩnh viễn ra đi, do chiến tranh, do tuổi già và bệnh tật... nên không có mặt hôm nay. Xin hãy dành phút mặc niệm cho những người thân yêu đó

Thưa các bạn . Sau 50 năm gặp lại. Kỷ niệm xưa dồn dập kéo về. Hãy gác lại những bộn bề của cuộc sống, những đam mê, kể cả hưởng lạc hoặc cả ấm ức ganh tỵ riêng tư ... để cùng nhau ôn lại, sống lại cái ngày túi sách đứt quai, bao cói gạo, ngô... đi bộ đến trường. Hãy sống lại tuổi thần tiên, cùng chung đèn sách với bao kỷ niệm gắn bó bằng hữu, thầy trò... Hãy bỏ qua đi nhục vinh, quan lính, may rủi của cuộc đời, để thả mình, sống lại tình bạn thuở học sinh của 50 năm trước, để về với Bái Thủy, với Quán Lào, với vùng quê Yên Định... Chia sẻ cùng nhau nỗi nhung nhớ, kể cả nuối tiếc và cả sự khát khao. Để rồi mai này chia xa, sẽ còn sống mãi trong ta những giây phút tuyệt vời này.

Với ý nghĩa đó, xin được lần nữa chúc mừng cuộc hội ngộ của tất cả chúng ta.

Thưa các bạn. Chúng tôi đã cơ bản thông báo được tới  bạn bè và đều phấn khởi chờ ngày về xôm tụ. Nhưng một số bạn do lý do đột xuất bất khả kháng mãi giờ chót mới báo tin, nên không có mặt hôm nay. Các thầy cô vì già sức khỏe yếu, đường xá xa xôi nên không thể về đông đủ. Khi trò gần 70, chỉ số ít thầy trẻ, dù tuổi gần 90 nhưng cũng cố gắng về cùng chung vui. xin được cúi đầu thành kính cảm ơn và chúc sức khỏe các thầy

Chương trình hôm nay, sau hàn huyên ở đây, chúng ta sẽ vào thăm trường cũ. Tiếp đó, có thể thăm vài nơi, cùng sống lại kỷ niệm và mừng cho sự đổi mới của quê hương Yên Định. Trưa, giao lưu tại khách sạn này và kết thúc tại đây. Các bạn có nhu cầu riêng, chủ động sắp xếp theo dự định của mình. Chúc các bạn toại nguyện. 

Một lần nữa , xin chân thành cảm ơn cac thầy, các quý vị đại biểu và các bạn. Chúc cho cuộc hội ngộ vui vẻ đầm ấm. Chúc sức khỏe an lành cho tất cả chúng ta

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN !

HỌP LỚP KỶ NIỆM 52 năm

 







Thưa các bạn! 

Chắc chẳng cần nói nhiều thêm gì nữa. 

Chỉ xin vui mừng chào đón và giới thiệu các bạn từ phương Nam xa xôi, từ phương Bắc và từ miền Trung cũng như trên quê hương Yên Định. Tất cả chúng ta đã vượt lên khó khăn chung của tuổi già, và cả những khó khăn riêng có của mỗi người.  Nhất là đã vượt lên chính mình, để giữ lửa nhiệt tình, khơi dậy trách nhiệm đối với bè bạn, một thời đèn sách… Để về vui xôm tụ hôm nay.

Đặc biệt, những bạn từ phương Nam, lặn lội về đây, chính là tấm gương về tình bạn sắt son trong sáng, không bị nhạt nhòa theo năm tháng và cũng chính là nòng cốt cho cuộc gặp gỡ hôm nay. Song, cũng có những người ngay trên quê Yên Định, dù gia đình đang có những khó khăn, thậm chí khó khăn đặc biệt. Nhưng, với nhiệt tình và trách nhiệm với bạn bè, với lớp… đã tự thu xếp việc nhà, tất cả vì bạn, chứ không để bạn vì mình. Chủ động có mặt, chung vui cùng bè bạn. Thế mới biết, tình bạn thật cao quí và cảm động, chỉ khi đã nhiệt huyết, vô tư, trong sáng và chân thành, thì sẽ vượt trên tất cả. 

Và sẽ ân hận biết bao, khi mà bạn bè từ Bắc, từ Nam đã lặn lội hàng ngàn cây số, quyết tâm để về họp lớp. Thì lẽ nào, trong chúng ta, nếu có ai đó, dù chỉ trong suy nghĩ không trong sáng, mà dững dưng, vin mọi lý  do, để không thể đi xa vài chục km đón bạn. Hoặc không thể thu xếp nổi việc nhà, để ào về, dù chốc lát, gặp gỡ, vui cùng bạn hữu? Rất may, trong những chúng ta đang ngồi đây, đã không ai làm điều đó. Ngoài những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng, mới không thể có mặt hôm nay. 

Bởi vậy, chúng ta có quyền tự hào về các bạn của chúng ta và tự hào cho cả chính mình…

Lần nữa, thay mặt BLL và riêng cá nhân, xin chúc mừng, chúc sức khỏe và chân thành cảm ơn tất cả các bạn.

Cảm ơn chị Hoàng Thị Chuyên, chị Lê Thị Liên, chị Lê Thị Chung, chị Nguyễn Thị Bích Liên, chị Trịnh Thị Y… đã có quà cho lớp. 

Cảm ơn các anh, chị:

 Lê Đình Quý, Nguyễn Viết Chính, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Bích Liên… đã hỗ trợ thêm kinh phí cho buổi họp lớp 

Thưa các bạn:

Hành trình về thời áo trắng của các ông, các bà ”thất thập cổ lai hy” lần này thật vất vả, với bao trăn trở, cả trong mong đợi, trong thấp thỏm, hy vọng và cả chút thất vọng mơ hồ…

Có lúc tưởng như mong ước đã không thành. Để rồi giờ đây, khi xúc cảm bị dồn nén, được vỡ òa trong niềm vui gặp mặt. 

Hãy vui rạng rỡ lên các bạn. Nếu ai đó có sự nghĩ  không trong sáng về bạn bè, đến tình bạn cũng bị lưu manh hóa …. Thì sẽ biến những gì, dù đẹp đẽ đến mấy, cũng sẽ thành bộ mặt xấu xa. Nhưng, sự trong sáng, niềm hân hoan  sau 52 năm gặp lại bạn bè , sẽ làm rạng rỡ trên nét mặt của những người từng được xếp thứ ba trong “nhất quỉ, nhì ma này”, dù đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy!

Vui trong vòng tay bè bạn, nét hân hoan sẽ xua tan đi sự già nua, làm đẹp lên, trẻ lại, trên khuôn mặt những con người”đã vào cái thời xưa nay hiếm”. 

Đôi lời như vậy. Xin dành thời gian để các bạn vui gặp gỡ, hòa trong kỷ niệm và cả hò hẹn cho tương lai. 

Để rồi, khi chia xa, mãi mãi còn trong mỗi chúng ta, lưu giữ mãi những kỷ niệm đẹp đẽ này. 

Mai đây, khi mỗi tuổi mỗi già, sức khỏe mỗi yếu, đi lại khó khăn. Hình thức tổ chức họp lớp sẽ không còn phù hợp. Rồi cùng với năm tháng, “sinh, lão, bệnh, tử”sẽ được chiêm nghiệm. Đó là quy luật của kiếp người. Nhưng mong rằng, tình cảm lớp 10c mãi mãi còn trong trái tim của mỗi chúng ta.

Mong rằng, các bạn thân yêu, hễ khi có điều kiện, thì hãy tìm về với nhau, chia sớt nỗi niềm, chí ít cũng liên lạc, thông tin cho nhau. Xin đừng cầu toàn, hãy đến với nhau, dẫu chỉ có dăm, ba bạn cũ. Dù ở miền Nam hay miền Bắc, thành phố hay thôn quê, dẫu địa điểm nào đi nữa, nghĩa tình bè bạn vẫn cứ đủ đầy nguyên vẹn …

Lần nữa, xin chúc sức khỏe mọi người. Chúc may mắn hạnh phúc và thành công.

Xin cảm ơn tất cả 

9/4/2023.