Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

CẢ LÀNG ĂN THỊT



Những năm 70 của thế kỉ trước, thôn quê miền Bắc đều vào hợp tác xã hết. Và tất nhiên, mọi thứ, cái gì cũng là của Hợp tác xã… Ruộng đất, cày, bừa, trâu, bò, tư liệu sản xuất... kể cả lao động... Tất cả là của Hợp tác xã (HTX). “Hợp tác là nhà, xã viên là chủ“ mà, và trên hết, đại diện làm chủ chính là Ban quản trị( BQT) và mô hình này, thời gian đầu, cơ bản có nhiều ưu điểm và tạo nên sức mạnh góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. 

Quay lại chuyện tư liệu sản xuất của HTX, mà trong đó chuyện con trâu là hệ trọng, là chuyện tày trời. Muốn bán trâu bò, bê nghé, thay tên, đổi chủ hay giết mổ đều do BQT quyết. Do đó, lâu lâu khi BQT thèm thịt, hay nhân có sự kiện nào đó, là họ tìm cách giết"bạn của nhà nông", để đã cơn thèm, dù con trâu, con bò, bê nghé đó đang khỏe mạnh. Tất nhiên, thường dân chỉ biết đứng dòm, ngửi mùi thịt nấu thơm lừng, từ nơi cán bộ họp bay ra, hưởng hương hoa, mà thèm nhỏ dãi. Thời buổi gạo châu, củi quế, nông dân mà đòi ăn thịt trâu, chỉ có trong mơ !

Một lần ở thôn Mai, thuộc một xã Định. Con trâu mộng nhà ông Ba, không may, bị đá núi làm sớt da chân, bước đi vốn vòng kiềng, giờ thêm khập khiễng. Mà què thì làm sao đi cày. Cái cớ rõ như ban ngày để BQT có lý do, quyết cho trâu lên thớt. Gia chủ khỏi nuôi trâu, đỡ vất vả nhé. BQT thì thay mặt, đại diện cho xã viên hưởng thụ. Thật là lưỡng lợi đôi đường. Ai mà kêu: “Chỉ dân là thiệt, là không còn bạn trâu để nuôi, không còn công điểm chăm sóc, không được công cày bừa. Từ nay, không còn đít trâu ỉa ra, để làm “nghĩa vụ nộp phân” bón ruộng cho hợp tác theo định mức. Và trâu chết, đến miếng thịt, hay miếng da dai, chắc chắn cũng chả đến phần gia chủ, mặc dù sớm tối nuôi trâu”. Quả là họ không hiểu gì về cơ chế! Dân làng nghe tin, tranh thủ tạt qua nhòm cái. Dần dần tụ tập đông người, chặt cứng cả sân nhà  ông Ba. No thì cứ chuyện ấy nói. Đói thì kể chuyện ăn…  Xưa nay vốn thế mà. Và chuyện về trâu cứ là như pháo nổ. Bổng nghe tiếng ai nói lớn 

-Ta thịt trâu chia nhau đi. Họ đến là mất trắng ... Của mình chăn dắt, nuôi nấng mà chịu nhịn thèm à!

Mọi người cười ồ, coi là chuyện vui. Ngoái nhìn, té ra là ông Ca, một bợm rượu có tiếng, thường ngày lười đi làm ngoài đồng, vin ốm đau, tránh nắng cầu rợp, để làm việc nhẹ trong nhà. 

Thế nhưng đám đông nhiều tiếng nhao nhao, đồng tình 

-Đúng đó, thịt đi, thịt chia cho cả làng đi...

Một thanh niên, nhanh nhẹn dắt trâu ra khỏi nhà ông Ba, buộc ngay tại ngã ba làng, “nơi trời, đất không là của ai cả...”. Rồi thì việc gì đến tất đến. Con trâu bị ai đó đập hòn đá to tướng vào đầu, ngã quay đơ, mép sùi bọt trắng như bọt xà phòng. 

Đám đông đang náo động, bỗng lặng như tờ. Trâu chết đâu dễ hết chuyện. Ấy là nó bị tai biến đấy chứ … Phải báo cáo trên thôi. Mà cán bộ thôn, hàng ngày đông đủ thế, giờ bỗng đi đâu hết. Cuối cùng thì chỉ mình con trâu bị giết. Thịt, da, lòng ruột, xương cốt... chia đều cả làng, ai ai cũng có phần. Làng cứ vui như Tết !

Thịt trâu xào hành, nước mắm, gừng tỏi, thơm nức cả làng, ai cũng hoan hỉ. Gia đình ông Ca cũng bình đẳng như mọi người, mặc dù ông là người đầu trò, là một tay đao phủ... 

Khi rượu vẫn còn ngà ngà, ông bỗng nghĩ đến trách nhiệm của mình mà sợ: "Nếu BQT cho Công an, Kiểm soát đến điều tra thì sao nhỉ" ? Lộ ra có mà tù...

Thế là ông vội đi đến từng nhà, rỉ tai mọi người. Chẳng hiểu họ trao đổi gì, chỉ nghe câu cuối...”Cứ thế, cứ thế nhé ...! Mà thật ra, khi thịt đã ngấm chân răng, thì nói năng chi nữa?

Ngay chiều đó, BQT, Công an, Kiểm soát HTX rầm rộ kéo về. 

Sân đình chặt ních người.... Nữ nhi, nam phụ, lão ấu, đều được mời làm nghĩa vụ công dân và chung qui chỉ mấy câu hỏi và trả lời, quanh vụ trâu chết, mà chưa hết chuyện : 

-Ai làm thịt? 

- Cả làng làm thịt

-Ai cầm dao ?

- Cả làng cầm dao

-Ai chọc tiết ?

- Cả làng chọc tiết 

-Ai ăn thịt ?

- Cả làng ăn thịt.

Kha ! Kha. Thế là  BQT chịu thua, hậm hực ra về, không ai tiễn !

Khi ấy đang tập trung cho công cuộc chống Mỹ. Ai cũng tưởng chuyện tày đình này, để lâu hoá bùn, dù trời hay vua cũng thua cả làng. 

Thế nhưng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi, và cái gì đến sẽ phải đến. Nghe đâu, sau này ông Ca bị qui "Tội phá hoại tài sản tập thể" và chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thật là đòn đau nhớ đời. 

Duy chỉ một điều lạ là, đi tù mà ông và gia đình ông đều được dân làng yêu mến kính trọng. Không bị dân khinh miệt như mấy ông quan cổ cồn, tham nhũng, bị vào lò như hiện nay. 

Riêng dân làng Mai khi ấy được bữa thịt trâu ngon. Mà “miếng ngon thì nhớ lâu. Đòn đau thì nhớ đời…”. Nhưng họ không bị đòn và vẫn bình an cho đến bây giờ.

 22/4/2017






Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

VỀ LÀNG ĂN CỖ CƯỚI








Nhận được lời nhắn gởi

"Bác về ăn cỗ cưới 

Bảy giờ bắt đầu rồi

Nhớ về không cỗ nguội.."

***

Lời mời đến vừa chiều tối

Lo mai sao kịp tới nơi

Đến làng, niềm vui phấn khởi

Đã nghe oang oang loa mời

Tấp nập làng quê như hội

Ai ai cũng thấy nụ cười 

Bao năm quê người xứ lạ

Chung phố, gần vẫn như xa

***

Cỗ quê thịt gà đi bộ

Thịt nghé đang độ tuổi hoa

Ao nhà quăng chài bắt cá

Lợn chuồng vừa xã thịt tươi

Giò nem, miến dong, bánh lá

Cả làng chuẩn bị hôm qua

Rau vườn, lá mơ, sung vả

Rượu quê hương vị đậm đà 

Bạn bè, bà con làng xã

Ai cũng đến chúc người xa

Vui buồn giận hờn có cả

Trách “quên tên cháu rồi à ...

Nhìn mặt, nhớ già, đoán trẻ

Chịu luôn, toét miệng cười xoà

Chén vui, hàn huyên đa tạ

Say xưa chẳng muốn lại nhà 

***

Trẻ trai tung hoành xứ lạ

Cố quê, trở lại khi già 

Tổ tiên, ông bà, mồ mã

Nặng lòng mọi kẻ đi xa

Hám gì, thác xây bia đá

Đắt đỏ nơi chốn phồn hoa

Sau này thân tàn nằm xuống

Chỉ mong ở cạnh ông bà

***                              

Tiệc xong, trở về phố xá 

Khôn nguôi nỗi nhớ quê nhà

2/2013