Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Chuyện quê HOÀ CẢ LÀNG























Họ là anh em thúc bá
Cây xoan mọc giữa bờ rào, ranh giới hai nhà
Thuở ấy quê chưa lên nông thôn mới, chưa có chính sách ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo... nên chưa có mẹo ghép hộ nghèo để làm thành tích. Họ nghèo như nhau, trong một cái làng nghèo.
Đất xó quê, chó ỉa, rẻ như bèo.
Thế nhưng cây xoạn lại là quí, với bao toan tính của cả hai nhà. Bởi vậy hai nhà đều đánh tiếng, cây soan là của nhà mình và đã không ít những cuộc khẩu chiến, hờn dỗi, thậm chí nhiều năm không thèm nhìn mặt nhau.
Năm tháng qua, cây xoạn đã thành cổ thụ, to lớn, thẳng tưng. Gì chứ dùng làm cột, làm chếnh nhà hoặc xẻ ván thì giá trị phải biết.
Hôm ấy, ông anh đi chợ huyện, chỉ bà chị dâu ở nhà. Thời cơ đến, ông em thúc bá vác dao ra chặt cành, vác rìu ra chặt gốc...Gần trưa cây đổ đến rầm, thì cũng là lúc ông anh đi chợ về.
Hỡi ôi! Cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cả cải lương, hát chèo, vũ ba lê, kích nói, cả song ca, cả dàn hợp xướng, cả múa rìu qua mặt nhau, chủ đề về cây soan đào có đủ !
Quá ngọ, sang mùi, loa yếu pin, tiếng đã rè. Chiều tà bóng ngã về tây, mà cuộc chiến vẫn không phân thắng bại, quân, tướng bám trụ không rời. Trận địa ngổn ngang cành lá. Chiến lợi phẩm thì không ai dám đụng, cứ đứng đó dòm ngó, hầm hè
Việc đến tai trưởng thôn. Ông ta đến ngó nghiêng một lúc, đằng hắng mấy cái, nghe hai bên thi nhau, nhiều mồm, to tiếng, bên nào cũng nhận đúng về mình.
Không cần chờ chỉ đạo cấp trên, không mớm cung, không chơi hối lộ, ông phán:
-Hai nhà là anh em hả. Cây mọc bờ rào, đất công thổ quốc gia. Cây chả ai trồng, tự nó lớn. Xử hoà cả làng !
Bảo vệ đâu? Khiêng cây vứt ao đình, ngâm đó, tính sau ...
Thế là xong! Chẳng thẩm phán, chẳng án phí, chẳng luật sư... án thi hành ngay, chẳng tốn hao gì sất.
Lạ thay, tuy chẳng rõ bên nào đúng, sai ra sao, ai bị hại, ai là nghi phạm. Cũng chẳng rõ họ ấm ức hay mãn nguyện, ai đúng chính tội hay oan sai. Hoặc nữa sự tranh dành đã quá mỏi mệt, dân trí thấp, chẳng hiểu mô tê, sợ quan trên mà im de ưng chịu. Kể cả sau này, chẳng rõ cây xoan đó mất đi đâu, ai lấy, ai dùng cái tang vật ấy làm gì nữa !
Mấy chục năm đã qua, chứ không phải 12-13 năm gì đó đâu, nhưng chẳng thấy ai kháng nghị, kháng cáo... để điều tra hay xét xử lại...Lâu lâu, cứt trâu đã hoá ra bùn.
Chuyện thời chưa có 4.0, chưa có Covit, chưa có chuyện đền bù oan  trái... chẳng rõ đúng hay sai đến đâu, im rồi, lặng rồi, chẳng ai muốn bới lại nữa. Nhưng có điều chắc chắn, những người đương thời, thế hệ thúc bá và con cháu họ có lẽ chẳng bao giờ quên.
Nay mảnh đất hương hỏa xưa của cả hai nhà, bờ rào gai được thay bằng tường rào đá, làm biên giới cho cây khỏi mọc. Con cháu hai nhà lớn lên, đi làm ăn xa. Nhà cũ, đất cũ, chẳng cháu nào ở cả. Nơi xa, mong họ làm ăn thành đạt, khỏe mạnh, hạnh phúc. Lúc nào đó có dịp, mong họ suy tư, rút ra cái gì đó thiết thực cho cuộc sống hiện tại, khi phải bán anh em xa mua láng giềng gần. Riêng đối với trưởng làng, họ rút được kinh nghiệm gì qua vụ cây xoan, khi xử hoà cả làng mà được dân đồng tình đến thế ?
4/6/2020