Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

CHIỀU NGÃ BA BÔNG
















Chiều về trên Ngã Ba  Bông(*)
Hoàng  hôn nhuộm đỏ bến sông  quê nhà
Nghe đâu đây vẳng tiếng gà
Ngân dài theo sóng la đà mặt sông
Một vùng trời nước Ba Bông
Buồm khoe đủ sắc gụ hồng trắng nâu...
Hội lưu sông Mã tách nhau 
Xuôi Đò Lèn đổ biển sâu sớm chiều
Đôi bờ lắng đọng tiếng tiêu
Chuông  nhà thờ đổ, sáo diều  dắt reo
Cay nồng  khói mái tranh nghèo
Nôn nao lòng nhớ  buổi chiều Ba Bông
***
Đã qua nhiều những bến sông
Ba Bông vẫn nhớ, trong lòng vẫn mong
Mát chèo  thuyền  nhẹ xuôi dòng
Mà sao trong dạ trong lòng chẵng an
Thiếu bãi ngô, vắng gió ngàn
Gà nhà ai  gáy tiếng vang  sông dài
Binh minh lên môt ngay mai
Phù sa ai để ngấn dài bên sông
***
Quê người đêm nhớ Ba Bông
Phương đông trời đã rạng hồng bình minh!
10/2011
Đêm sông Hậu, nhớ Ba Bông
(*) Ngã Ba Bông nơi giao lưu của các con sông Mã tách dòng về Lèn và Sầm Sơn, 
nơi con gà gáy 5 huyện Yên Định, Thiệu Hoá,Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hoá cùng nghe

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

TÁM MƯƠI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG











Thành lập Đảng bộ hôm nay
Bồi hồi nhớ lại tháng ngày đã qua
Chặng đường của máu và hoa
Tám mươi năm, bản hùng ca tuyệt vời
***
Đất nước thuở hơn trăm năm trước
Dưới gót giày xâm lược ngoại bang
Bạo tàn đế quốc sài lang
Dân bị áp bức cơ hàn lầm than
Bao nhiêu người đi làm cách mạng
Vẫn mịt mùng đêm tối chưa tan
Nhà Rồng bến cảng miền Nam
Bác đi cứu nước, mở trang sử vàng

“Người ra đi tìm hình của nước...”(1)
Bôn ba khi đến được nước Nga
Luận cương Xô Viết- Cộng hoà
Soi đường Cách mạng nước ta rạng ngời
Như bình minh, xua tan đêm tối
Đảng ra đời hạnh phúc dân ta
Trời cao biển rộng bao la
Bát cơm, tấm áo hương hoa hồn Người...”(2)
Và từ ấy Đảng soi ánh sáng
Như hào quang lan tỏa muôn nơi 
Công - Nông liềm búa rạng ngời 
Chung tay cứu nước, cứu nòi Việt Nam
***
29/7 Tại làng Hàm Hạ (3)
Xứ Thanh là Chi bộ đầu tiên
Giặc thù khủng bố triền miên
Vẫn không ngăn nổi búa liềm, cờ sao
Năm 38, mùng 10, tháng 6
Ngọc Vực nơi Chi bộ Huyện Yên(4)
Tám người Cộng sản trung kiên
Là hạt giống đỏ, ươm lên anh hùng:
Mạch, Môn, Quý,  Ái, Hoạt, Tung
Giáp, Khuyên, trang lứa tuổi cùng đôi mươi (5)
Từ ngày Chi bộ ra đời
Như thuyền có lái ra khơi vững chèo
Hội dân nghèo cùng học quốc ngữ
Ái hữu chung tương tế giúp nhau (6)
Tổng duyệt lực lượng mai sau
Chống sưu, giảm thuế, yêu cầu tăng lương
Biểu tình phản đối Huyện Tương
Tẩy chay Cai Soạn, lý, hương một phường (7)
Tập quân sự, đánh phủ đường
May cờ, mua súng bốn phương luyện rèn
Tổng khởi nghĩa Uỷ Ban Kháng chiến(8)
Lãnh đạo dân giành lấy chính quyền
Tuyên ngôn độc lập được tuyên
Cờ sao rực rỡ đất Yên Định này

Bọn đế quốc diều hâu hiếu chiến
Mỹ- Pháp càng hung hãn cuồng điên
Chúng gây chiến cả hai miền
Hòng định bóp chết chính quyền nhân dân
Cùng toàn quốc trường kì kháng chiến
Yên Định bước vào cuộc trường chinh
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”(2)
***
Pháp bại, Mỹ dã man xâm lược
Định lâu dài chia cắt nước ta
Hai miền giới tuyến đặt ra
Giang sơn đôi ngã, một nhà đôi nơi
Cách mạng bước sang thời kì mới
Chống Mỹ và lao động dựng xây
Hậu phương, tiền tuyến chung tay
Địa linh nhân kiệt đất này vinh danh
Năm 61 Bác về Thanh Hoá
Yên Trường vui, vinh dự đón Người
Làm theo lời dạy của Người
Định Công điểm sáng ra đời từ đây
Và từ ấy trên đường đi tới
Phát triển mạnh kinh tế nơi nơi
Khai hoang, nông nghiệp, chăn nuôi
Văn hoá - Xã hội,  giao thông, trạm, trường 
Lâm Tâm, Quý Lộc, Thọ, Trường
Hoà, Bình, Long,Tiến, Liên, Tường, Hải, Tân..(9)
Sự nghiệp Cách mạng toàn dân
Sức mạnh hợp tác muôn lần biển khơi
Góp công, góp của, sức người
Quân, lương chi viện tiền phương kịp thời 
Đánh Mỹ cút- Ngụy nhào rồi
Khải hoàn toàn thắng, rạng ngời Việt Nam
Anh hùng lực lượng vũ trang
Nhà nước phong tặng vẻ vang đất này
***
30 năm trên đường đi tới
Yên Định đang đổi mới từng ngày
Nông dân, nông nghiệp từ nay
Huyện nông thôn mới chung tay vun trồng 
Lần thứ 2- Phong anh hùng
Thời kì đổi mới thỏa lòng ước mong
***
Công ơn ghi tạc trong lòng
Tám mươi năm dưới cờ hồng Đảng ta
Một chặng đường máu và hoa
Kết liên thành bản hùng ca dâng Người !
5/5/2018
Viết nhân kỉ niêm 80 năm thành lập Đảng bộ Yên Định (10/6/1938-10/6/2018)
(1)Thơ Chế Lan Viên
(2) Thơ Tố Hữu
(3) Làng Hàm Hạ xã Đông Tiến
(4) Làng Ngọc Vực xã Yên Thịnh
(5) Tên của 8 đảng viên cộng sản lập Chi bộ đầu tiên của huyện Yên Định
(6) Các tổ chức hợp pháp do Cách mạng lập ra trong thời kì Mặt trận Bình dân
(7) Tương, tên của Tri huyện Yên Định và Cái Soạn tên Chủ đồn điền Bát Soạn
(8) Chủ tịch UBKC Bùi Kính Thăng
(9) Những xã tiêu biểu giai đoạn này

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

KHOE...




Khoe là thuộc tính của người
Mấy ai sống ở trên đời không khoe
Khoe nơi làm, lắm màu mè
Khoe giỏi mối mánh, khoe phe cánh nhiều
Khoe khéo nịnh, được tin yêu
Sếp thương, nói hộ một điều xong ngay
Khoe uống rượu, không biết say
Gặp là gắp, rót, lên FAY pos liền
Khoe xe, biệt thự, bạc tiền
Khoe đi du lịch mọi miền thế gianKhoe xuống biển, khoe lên ngàn
Khoe ăn đặc sản, nhà hàng những đâu
Khoe bằng cấp, tiếng Tây, Tàu
Khoe xinh, mông, má.., khoe đầu đen lâu
***
Bệnh khoe như một nhu cầu
Vui cùng bạn hữu, giống nhau ta mình
Riêng chuyện tham nhũng, ngoại tình
Không khoe, im lặng, làm thinh xuống mồ
15/4/218

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

MỘT GIÃI BỒNG NGA

















Từ lâu tên gọi Bồng Nga
Cầu Chày một nhánh tách ra sông này
Uốn tròn như tựa vòng tay
Nâng niu bồi đắp đất này quê ta
Từ Định Bình qua Định Hoà
Chảy vào cùng điểm chảy ra cùng dòng
Rồi xuôi qua ngã Ba Bông
Để chung dòng đổ Biển Đông đêm ngày
Quê tôi một dãi Cầu Chày
.."Sáng Bồng Nga lại tối ngày Bồng Nga.." 
Đã thành thơ, đã thành ca
Vựa cá, vựa lúa Định Hoà lừng danh
Đôi bờ làng xóm yên bình
Bồng Nga nên nghĩa, nên tình lứa đôi
***
Vẫn là bên lở bên bồi
Dòng sông tắm mát tuổi thơ thuở nào
Bây giờ tuy tuổi đã cao
Con sông hoài niệm đi vào đời tôi
Xa quê hơn nửa đời người
Mà lòng vẫn nhớ khôn nguôi quê nhà
Nhớ sông tên gọi Bồng Nga
Lòng mong sao mãi quê nhà ...còn sông
5/5/2012

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

MỘT DÒNG SÔNG ĐANG BỊ BỨC TỬ




















Bồng Nga, một nhánh của sông Cầu Chày, chảy qua xã Định Bình, Định Hoà rồi lại hợp nhất với dòng chính tại làng Đồng Hà để rồi xuôi về ngã Ba Bông, qua Đò Lèn, đổ ra biển Đông. Xưa có câu"Sáng Bồng Nga, tối lại Bồng Nga”là vậy.
Sau hoà bình, một con đê trị thủy được nhân dân đắp ngăn úng lụt cho cánh đồng Hoà, Bình, Tân, Tiến, qua cống tiêu Nội Hà, hình thành nên sông Bồng Nga riêng biệt, uốn quanh bao bọc 10 thôn của Định Hoà, như là Long mạch, nuôi sống mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
 Bồng Nga là nơi chứa nước tiêu úng, là nguồn nước tưới cho mùa nước cạn và cũng là nguồn hải sản, nhiều tôm cá, mà từ xa xưa đã lưu truyền câu ca"Định Hòa lắm cá nhiều tôm" là vậy! Sông mát lành, làng xóm trù phú, dân cư đông đúc, đoàn kết nhân ái,. Nơi Phủ Nhì với Điện Thừa Hoa linh thiêng thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao, mẫu nghi thiên hạ, cũng là nơi có Chùa Thiên Phúc tôn nghiêm, với những rặng tre xanh bạt ngàn, mỗi mai lên và khi hoàng hôn về lại trắng những cánh cò.
Dân quê tôi tự hào có con sông tuyệt vời đã đi vào tâm hồn mỗi người và với cả trong thơ ca.Thế nhưng sông Bồng Nga đang bị bức tử
Liệu Bồng Nga, con sông thơ mộng, long mạch xã Định Hòa có còn Linh thiêng, khi mà nhà nhà lấn sông, hoặc được chính quyền cho đất làm nhà ven sông mà không yêu cầu làm mương thoát nước. Toàn bộ nước thải chưa xử lý, trực tiếp đổ ra sông, khi Trạm bơm tiêu úng Nội Hà được nâng cao cốt và dòng sông không chảy! Rồi thì các trang trại chăn nuôi gia súc, đặc biệt các trang trại lớn của các hộ ở Định Bình, ở Đồng Si, ở đầu làng Phang thôn ... thi nhau đổ nước thải ra sông Bồng Nga. Nước thải cùng với các bao tải lợn, gà chết, vất trôi sông, trong khi con sông lại được ngăn từng đoạn cách bức, làm nơi nuôi  cá, thả bèo. Đáy sông đang bị bồi đắp. Mặt sông đang bị thu hẹp. Mùa này nước cạn,  mùi xú uế tanh tưởi bốc lên, dù đã mang khẩu trang vẫn cảm nhận nặng mùi hôi thối... 
Sông Bồng Nga đang bị bức tử...Bồng Nga đang trở thành sông Tô Lịch...Sông sẽ chết vì ô nhiễm, sẽ trở thành con lạch, thành ao tù nước đọng, nếu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Định Hoà không cứu chữa cho sông !
Về lâu dài, hãy mời thầy tư vấn, "mời thầy địa lý, mời đốc tờ, bốc thuốc chữa bệnh”, mời khảo sát thiết kế, mời tài nguyên môi trường và lãnh đạo các cấp xem xét, có quy hoạch cụ thể giúp địa phương
Về trước mắt, dân Định Hòa hãy tự cứu lấy Bồng Nga, tự cứu lấy mình bằng ăn ở cho sạch, không thải bẩn, vất bẩn ra sông. Huyện cũng cần kiểm tra nhắc nhở về vệ sinh môi trường của một địa phương Nông thôn mới. Không để tình trạng lấn đất, thu hẹp lòng sông. Chính quyền sở tại phải cho kiểm tra, đóng cọc chỉ giới.  Quy hoạch mương tiêu hai bờ sông, nơi xử lý nước thải ở khu dân cư, trước khi cho ra sông. Đất thổ cư, hộ nào khi làm nhà mặt sông, yêu cầu diện tích nhà ai nhà ấy phải làm mương dẫn nước thải trong phạm vi nhà mình, nối đến nơi xử lý chung. Có kế hoạch nạo vét sông và mở rộng lòng sông. Bờ Bắc đã bị lấn làm đường, thì thu hồi đất ngân sách ven sông, bên bờ Nam đang bị lấn chiếm để mở rộng lòng sông. Các đập qua sông, phải đảm bảo cầu rộng cho lưu thông dòng chảy. Tăng cường tuyên truyền ý thức trách nhiệm, vệ sinh môi trường trong nhân dân, cùng với tăng cường công tác quản lý nhà nước. Nhất là khi Khu Di tích Quốc gia Phủ Nhì, điện Thừa Hoa với kinh phí tu tạo trên trăm tỷ đồng đã được tôn tạo. Phủ Nhì linh thiêng, cùng sự tôn nghiêm nơi cửa Phật của chùa Thiên Phúc, quần thể du lịch Định Hoà sẽ là nơi phong phú hấp dẫn du khách .
Vì tương lại con em chúng ta. Hãy cứu lấy sông Bồng Nga khi còn chưa muộn!
3/2018

CÁI LẠ ĐÀN BÀ























“Trăm năm trong cõi người ta”
Đàn bà bí ẩn vẫn là xưa nay !
Kể chuyện họ, có hết ngày
Mỗi nhà mỗi cảnh, ra đây trình làng :
Này là chuyện của một nàng
Đêm chồng đi họp, sẵn sàng đi theo
Cô kia đâu phải túng nghèo
Cho chồng mặc rách, ra điều xấu trai
Đầu bù, tóc rối, râu dài
Càng già càng tốt, khỏi ai ngó ngàng
Có bà khi chồng ra đàng
Bắt chồng ăn mặc vào hàng đại gia
Tóc vuốt keo, sài nước hoa
Phong thái đĩnh đạc mới là yên tâm
Yêu, thương, hờn, giận, đúng tầm
Xấu chàng hổ thiếp, muôn lần nâng niu
Có chị, chồng được thương yêu
Nhốt nhà, mồi, rượu, liêu siêu sớm chiều...
Chuyện đàn, bà trăm vạn điều
Chuyện họ, kể biết bao nhiêu mới là
Có chuyện này chưa nói ra :
Thích nịnh, thích được tặng hoa, tặng quà...
    Viết cho
Hậu mùng 8/3

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

CHỢ BẢN XỨ THANH




Chợ Bản Yên Định xưa thuộc làng Bản Đanh, xã Định Tăng. Đây là chợ nông thôn của huyện Yên Định đã có từ lâu đời, nổi tiếng khắp Xứ Thanh, lan ra tận các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ. Chợ chuyên trao đổi bán mua hàng hóa nông sản như trâu bò, lợn gà, cũng như công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng và đặc sản ẩm thực của các làng quê trong Huyện.
Chợ Bản ngày xưa phong phú và sầm uất lắm. Tuổi thơ mà được theo mẹ đi chợ Bản, nhất là phiên cuối năm, phiên 25 hoặc 30 Tết thì còn tuyệt vời hơn cả về miền cổ tích.
Này đây khu vực buôn bán trâu bò, lợn gà bao giờ cũng trên nền đất cỏ, đủ trâu béo, trâu gày, bò to, bò béo, nghé đẹp, bê ngon, với những thương lái xa gần, miệng bỏm bẻm nhai trầu,tiếng trả giá râm ran, tiếng vỗ tay đen đét. Những ông cò bò chuyên bán nước bọt, hay kẻ buôn đầu chợ, bán cuối chợ, lượn lờ như cá cảnh, dẻo mỏ, thánh thót khen, chê, xen lẫn tiếng bê kêu, lợn éc trong mùi gia súc khai nồng.
Này đây khu ẩm thực phong phú. Những mẹt bánh đúc bầy gọn gàng sạch sẽ, bên những lọ thủy tinh dậy mùi mắm tôm. Những chiếc bánh đa đầy vừng, những chiếc bánh xèo vàng rộm, trong chảo rán sôi ngậy mỡ. Những xấp bánh đa từ Vạn Hà lên, những buộc đậu phụ từ vùng Định Tân qua, chắc mịn, vàng au màu nghệ tươi, vẫn còn đang nóng...
Hàng bánh, kẹo những cột bánh cao lâu, bịch kẹo kéo xanh, đỏ, tím vàng, dẹt, tròn, ngắn, dài đủ cả. Dãy hàng rượu, men bốc thơm lừng với những khuôn mặt đỏ gay, chân bước liêu xiêu, cặp môi đã chép chép mà hàng nào cũng muốn xà vào nếm thử.
Đông tấp nập vẫn là dãy bán đồ cũ, từ quần áo, giày dép, chăn màn, từ đồng hồ, đồ điện tử, dao, kéo, đe búa đến bạc vàng, cái xe đạp quí giá... Thôi thì thượng vàng, hạ cám, hàng nội, ngoại, Tây, Tàu, đồ dân sự, quân sự, dài ngắn, sịn, dổm, xuân hạ thu đông, mới, cũ đủ cả, vì lý do nào đó đem đi chợ, cho đi ở. 
Xa chút về góc chợ phía đông, những bể rèn phì phò thổi lửa. Tiếng đe, búa râm ran. Những bác thợ rèn lưng áo ướt đẫm, tay bóng nhẫy mồ hôi quai búa. Những chị, những mẹ áo nâu chân đất, tay mân mê những con dao, cây kéo và cả những chiếc lưỡi cày thời chìa vôi hay 51cải tiến. Tiếng rít thuốc lào, tiếng mời chào ồn ào râm ran cả một vùng. Khu đồ gốm càng phong phú với những năng, niêu, nồi đất, chum, vại phong phú, to nhỏ đủ loại. Khi theo mẹ đi chợ, mẹ thường dọa, dẫm vào nồi đất là bị bắt đi ở, không được về, để khiếp hãi cho mãi đến giờ. Khu mũ nón, với những bóng hồng thướt tha, lặng lẽ chọn lựa, ướm chiếc quai thao hồng, đỏ ngắn, dài trong chiếc nón được quét dầu sơn trắng bóng, lấp lánh.
Dân gian thường nói "Đến chợ Bản, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có"là vậy, và lạ kì, một giờ trong giờ ngọ, chợ tuyệt nhiên không bóng một chú ruồi
Chợ Bản vùng quê Xứ Thanh này, trong hai cuộc kháng chiến đánh Tây, đánh Mỹ, phải di chuyển đến nhiều nơi như Duyên Hy, Định Hưng, Thành Phú, Định Tường... nhưng dù ở đâu, chợ đều giữ tên Chợ Bản, hễ có tên Chợ Bản là dân tự tìm đến. Chợ vẫn họp, chợ làm yên lòng người, chợ cho cuộc sống vượt lên cả chết chóc, bom đạn, đã thật sự đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta
Hòa bình, thống nhất đất nước, khi huyện lỵ Yên Định chuyển về Quán Lào, thì chợ không được về làng Bản Đanh cũ, mà được người ta cho chuyển đến xã Định Long, chi tiền, dành đất, lập"Chợ Đầu Mối", trong khi phía đông, cách quãng không xa đã có chợ Thị Trấn, phía Bắc, cũng cách vài trăm mét đã có chợ thuộc xã Định Liên và đặc biệt khi đất nước đang đổi mới, hệ thống chợ đang có những đổi thay căn bản.
Chợ đầu mối thuộc xã Định Long, nhưng"không đầu, không mối", khi nền kinh tế thị trường phát triển, hệ thống chợ búa thay đổi, dân đầu nậu thu gom hàng tận gốc rồi. Chợ chiếm mất bao nhiêu là diện tích đất nông nghiệp, tốn bao nhiêu tiền để xây ki ôt, bao tường. Nói như dân nói "quy ra lọ, sơ sơ năm 2 vụ cũng đã là bao nhiêu tấn rồi".
 Chợ không còn là chợ Bản bán lợn gà trâu bò trên bãi cỏ xưa nữa mà là trên nền bê tông, trâu bò dậm móng cũng khổ, nước đái, phân trâu bò, lợn gà không đất thấm, dưới nắng hè, khai thối thật không chịu nổi. Quanh chợ lại bao móng nhà trước khi bán đất... Giá cả, đắt rẻ, dân tình kiện cáo mãi... Trong khi cơ chế thị trường, cơ cấu hệ thống chợ đã thay đổi, nên chợ lập xong, chỉ lèo tèo người họp, rồi thôi hẵn. Do đó phải quãng cáo, gắn thêm hai chữ"CHỢ BẢN ĐỊNH LONG" nhưng vẫn chẳng có người vào. Dư luận cho rằng lập chợ ở vị trí đó không phù hợp, mà nên đầu tư cho chợ Thị Trấn và chợ Định Liên. Bởi trong quy hoạch lâu dài, vùng này sẽ là khu công nghiệp. Thôi thì dư luận ấy mà. Kệ ! Ai chấp với dư luận!!!
Nay khi vùng đất Yên Định, những Định Liên, Định Long, Định Tường, Định Bình, Yên Phong, Yên Trường, Yên Bái... cùng các xã trong huyện đã đạt chuẩn Nông thôn mới và đang công nghiệp hoá, đô thị hoá. Cùng với sự ra đời, phát triển của các nhà máy, xí nghiệp như may mặc, giày da..., cả trong nước, cả Liên doanh với nước ngoài, các khu công nghiệp cũng ra đời. Do đó yêu cầu dịch vụ, sự phát triển của dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại ngày càng cao. Do đó đã tự phát hình thành các tụ điểm mua bán dọc Quốc lộ 45, trước cổng các Công Ty, các nhà máy. Tình trạng tranh mua, tranh bán, gây nên sự lộn xộn, mất trật tự xãy ra, mặc dù“Chợ Bản Định Long”cận kề ngay đó nhưng vẫn không ai vào.
Sự tự phát tụ tập họp chợ gây lộn xộn, mất trật tự trị an, ảnh hưởng giao thông đã là nỗi lo của Chính quyền các cấp, của lãnh đạo các Công ty, nhà máy và của nhân dân. Nhưng hại thay, vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ. Thực trạng hiện nay, ảnh hưởng của nó, nguyên nhân để xãy ra, trách nhiệm của ai, biện pháp tháo gỡ... Chắc lãnh đạo các cấp và nhân dân đã rõ và có biện pháp để giải quyết. Bởi lẽ không thể để tình trạng đó tồn tại và để lãng phí khu đất chợ này ?
Với góc độ Chợ Búa, thiển nghĩ nếu còn muốn giữ chợ, phải chăng chúng ta phải chủ động tu sửa, chỉnh trang lại Chợ Bản Định Long, sắp xếp lại vị trí các khu, các quầy trước đây đã có. Cắm biển đề tên vị trí. Ví dụ như khu nông sản, khu tạp hoá, khu công cụ sản xuất, bách hóa, hải sản, ẩm thực, kể cả nơi bảo vệ trông giữ xe.... Thông báo cho các hộ đang thuê sử dụng địa điểm khu chợ với giá rẻ mạt, kết thúc hợp đồng, trả lại mặt bằng cho chợ. Đi đôi với việc đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương khuyến khích người vào họp trong chợ của địa phương, như: không thu thuế chỗ ngồi, không thu lệ phí vào chợ, miễn phí giữ xe, có thể trong từ 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời lực lượng chức năng phối hợp cùng Công ty, nhà máy, vận động nhắc nhở, yêu cầu mọi người không họp chợ trước cổng nhà máy, vào họp chợ đúng nơi quy định. Công khai vị trí ngồi bán ở chợ lâu dài và cả mức lệ phí sau này.
Chỉ có làm được như thế, dân tình mới yên tâm vào mua bán trong chợ, không lộn xộn tự họp ngoài cổng các Công ty nhà máy. Còn nếu không thì giải tán, chuyển mục đích sử dụng đất cho có hiệu quả, để lãng phí lắm rồi
Riêng ở Định Tăng, nơi chợ Bản Đanh xưa, họ xin phép và đã lập chợ mới, gần nơi chợ Bản xưa, nhân dân các xã Thiệu Thành, Thiệu Vũ, Thiệu Ngọc... Thiệu hóa và dân Yên Định ven Cầu Chày về họp chợ ngày càng đông vui...đó cũng là điều đáng mừng, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa trong vùng
Trộm nghĩ: Chợ búa giống như làm chuồng chim bồ câu, như nuôi ong mật ấy, to đẹp, theo chủ quan của con người chưa chắc ong hay chim đã ở, chợ họp đã họp đông.... . Từ  xây cái chuồng chim, tổ ong phải từ cái Tâm sáng của người làm thì cũng mới thành. Thế mới biết đời khó thật..!

CHỢ BẢN XƯA VÀ NAY
Quê tôi có chợ Bản xưa
Đã từng nổi tiếng bán, mua khắp miền
Năm ngày, chợ họp một phiên
(Mồng một âm lịch là phiên khởi đầu)
Tên chợ Bản có từ lâu
Nổi tiếng bán lợn, bán trâu bán bò
Rồi thì con cá con cua
Cái cuốc, cái xẻng cày bừa, kéo dao...
Mắm tôm, bánh đúc, thuốc lào
Rồi hàng quần áo, hàng bao hàng đồng...
Phiên nào họp, chợ cũng đông
Dịp mà giáp Tết còn không lối vào
Bán mua, trả giá ồn ào
Chợ vẫn là Chợ, mà sao ấm lòng
Giai thoại như chuyện thần thông
"Một giờ trong Ngọ, chợ không có ruồi..."
              * * *
Chợ Bản xưa đã mất rồi
Đầu tư chợ mới về nơi phố phường
Làm nhà, xây cổng, xây tường
Làm sẵn ki ốt, tư thương mời vào...
Thế mà không hiểu vì sao
Người thưa, mua bán ngại vào bên trong
Chợ thì còn rộng mênh mông
Người đến cổng chợ vẫn không chịu vào
Họp bên đường, biết tính sao ?
Tắc đường, giải toả mới vào bên trong
Đội quân đầu nậu tấn công
Gom thu ép giá, nhà nông vướng vòng
Khách xa nhiều khi mất công
Lặn lội vào chợ lại không có hàng
            * * *
Vẫn chợ Bản xã Định Tăng
Tên khai sinh cũ đã hằng chờ mong
Nhân dân trên dưới đồng lòng
Xin lập chợ mới ven đường chợ xưa
Đơn giản chợ là bán mua
Mà đã tấp nập tuy vừa "Cưới "thôi
Chưa tin đến chợ mà coi
Cho "mục sở thị", tay sờ tận nơi
              * * *
Chuyện của chợ
Chuyện cuộc đời...
Chim câu, ong mật tìm nơi mà về !
          Yên Định
    Đầu tháng Chạp