Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

NỔI TIẾNG!









Lê Gái bạn tôi, một nhà thơ nổi tiếng, có lần đùa vui, nói “anh sắp nổi tiếng rồi đó... “. 

Nàng thơ nói kháy chơi, nhưng ngẫm mà hay đáo để. 

Ai đời, với tôi, hơn thất thập rồi, còn ham hố gì nữa. Thời đạn bom Cổ thành Quảng Trị, được sót lại, đã quá may rồi. Tiếp đến 42 năm công tác, ơn trời, nhờ hồng phúc ông bà ”nâng đỡ trong sáng”, nên không phải luồn cúi ai. Nhờ tập thể tin yêu, cũng đã được vào cái diện “đường sữa chia từ trên xuống, thì được có phần. Cuốc, xẻng chia từ dưới lên”, đến lượt mình thì vừa hết! May đến thế là cùng. Thử hỏi, bây giờ còn đánh bóng mình để nổi tiếng làm gì? Mà nói chỉ mới là “sắp nổi” thôi nghe.

Lại nhớ, hồi còn công tác, xuống kiểm tra một Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và một Bệnh viện Đa khoa, là 2 cơ sở trực thuộc, có nhiều thành tích trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, để đề nghị biểu dương, khen thưởng. Hồi ấy, bệnh huếnh , bệnh thành tích chưa trầm kha. Được biểu dương khen thưởng là thực chất, là vinh dự cho đơn vị và tất nhiên, lãnh đạo là nồi tiếng rồi. Mà đã nổi tiếng thì cấp trên xuống thăm, bạn bè đến học tập …! Và báo chí, truyền thông đến viết bài, đưa tin, phỏng vấn, chụp hình… cứ gọi là nườm nượp. Quá oách!

Thế là lãnh đạo suốt ngày lo tiếp khách. Tài vụ, lễ tân lo phong bì. Nhà bếp luôn đỏ lửa và sau đó là bao hệ lụy kéo theo. 

Tình cảnh đến nỗi, năm sau, tuy đơn vị có nhiều cố gắng hơn, đạt được thành tích toàn diện hơn. Nhưng khi làm việc, Bí thư, Giám đốc 2 đơn vị trên, cả 2 đều là chỗ thân tình, là bạn bè, cũng phải nói như lạy: “Anh về báo cáo, cho đơn vị tôi xin được Bình Thường…”! 

Chỉ xin được là Bình thường, không điển hình gì cả! Kk

Thế đó, việc công đã vậy. Còn với mỗi cá nhân, sự nổi tiếng, được cộng đồng tôn vinh vì tài năng thì nhiều lắm. Đó là vì họ thực tài và xứng danh. Nhưng cũng có người tài, đức vẹn toàn, họ cũng khiêm tốn, nhún nhường, chứ không hơn hớn vội nhận. Kể cả khi có người nịnh, ví mình như Thái sơn, như là “Đại thi hào”, dù cho vui, cũng nên khiêm tốn chối từ.

Người xưa, giỏi như Khổng Minh, tài như Chu Du, Bàng Thống… Trước thiên hạ, cũng chỉ mong ước bình thường. Mong xong việc, từ quan, về cày cấy, làm thơ. Và chính sự bình thường ấy đã làm cho họ nổi tiếng. Thế mới hay, sự bình thường là mong ước của đa số con người, là thuộc tính nhân cách của mọi kiếp nhân sinh. 

Bởi vậy, tôi rất thích bài thơ “Thường Dân” của Nguyễn Long, và cầu mong sao cho mình được bình thường như mọi người bình thường vậy. Nhưng quả là khó quá. Phải ”vô tư mấy kiếp” mới thành đây? 

Thì đó thôi. Mấy ông thăng quan nhanh, làm giàu nhanh, thành trọc phú quá dễ. Nhưng về làm Thường Dân, để được dân đón nhận, thực khó lắm thay…!

Xin được đăng lại bài thơ của nhà thơ Nguyễn Long hầu các bạn:


“ THƯỜNG DÂN

Đông thì chật, ít thì thưa

Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân

Quanh năm chân đất đầu trần

Tác tao sau những vũ vần bão giông.


Khi làm cây mác, cây chông

Khi thành biển cả, khi không là gì

Thấp cao thôi có làm chi

Ngàn năm cỏ vẫn xanh rì cỏ thôi.


Ăn của đất, uống của trời

Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin

Ồn ào mà vẫn lặng im

Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.


Chỉ mong ấm áo no cơm

Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành

Hòa vào trời đất mà xanh

Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.”

NL

Nhà thơ Lê Gái cùng đọc nhé. Với mình, càng đọc , càng ngẫm, lại càng thấm thía. Và bạn nữa, bài thơ hay lắm, phải không các bạn! 

12/6/2024

VV L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét