Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

MỪNG THƯƠNG VÀ TRÁCH NHIỆM












Mọi người mừng, tôi cũng mừng.

Nhưng trong sâu thẳm xem chừng nặng thương.

Việc làng, họ, đâu coi thường. 

Ít nhiều góp sức chung đường ghé vai.

Người giàu! Chuyện nhỏ, một hai.

Kẻ khó! Tính toán, đường dài cả năm. 

Khó khăn, trách nhiệm, lương tâm. 

Có người bệnh tật cả năm nay rồi.

Có người tất tả ngược xuôi.

Chắt chiu, dành dụm…phòng thời gió mưa.

Có người bớt sớm, dành trưa.

Đạm bạc cuộc sống rau dưa tương cà.

Người chờ con gửi về nhà 

Cả tình cả nghĩa nơi xa dặm trường.

***

Xem danh sách mừng mà thương…

Càng thêm quý trọng trăm đường dân tôi.

Đừng áp lực, dân làng ơi!

Tự nguyện, nhiều, ít thảnh thơi gắn liền.

Chỉ mong sử dụng đồng tiền.

Rõ ràng, hiệu quả lòng tin thêm dầy.

Dân tôi như bát nước đầy. 

Nghĩa tình đến thế, chung tay giữ gìn. 

19/9/

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Với con em họ Vũ làng tôi!

 











Kính thưa các cụ các bác và bà con nội tộc 

Tôi có ý định viết lịch sử Làng và gia tộc họ Vũ Tố Phác. Có thể nói gọn là viết về: 

LÀNG TỐ PHÁC- THÀNH HOÀNG LÀNG VÀ ÔNG TỔ HỌ VŨ, tiếp nối công việc chưa thành của cố ông Vũ Kim Cầu, Vũ Đình Ninh, trong thực hiện mong ước của dân làng, họ tộc. 

Công việc trí tuệ, chữ nghĩa quả là khó khăn . Nhất là khi năng lực có hạn…. Rất may còn có những tư liệu quý của các cụ để lại và trực tiếp là Quan hệ thực tế, gia phong, gia tộc anh em trong họ, giúp tôi thuận lợi trong công việc. Nhưng cơ bản được trực tiếp đến với các bác, các chú, các cháu, các em trong làng…Biết thêm, hiểu thêm về gia cảnh, về cuộc sống của con cháu, nhân dân trong làng. Chia sẻ với những khó khăn, kể cả những bức xúc, ấm ức chưa hài lòng trong cuộc sống và cả của nhân tình thế thái . Nhưng cũng được chung niềm vui của mỗi gia đình, khi họ mới làm được nếp nhà, sắm thêm tiện nghi mới. Đặc biệt vui hân hoan trong tình anh em họ mạc khi được gặp mặt sau bao năm tôi chưa có dịp đến thăm. Thấy các bác, các chú các em và gia đình mạnh khỏe, con cháu HỌC HÀNH thành đạt. Thật không gì quý hơn điều đó. 

Những tình cảm quí trọng yêu thương đó càng như nhắc nhở tôi cố gắng lên đừng phụ lòng tin của mọi người. 

Mừng vì quê hương có nhiều đổi khác, như được thay da đổi thịt. Đường xá thì rõ rồi. Đó là tình hình chung của cả huyện cả tỉnh, nếu không nói là cả nước trong phong trào nhựa hóa, bê tông hóa đường làng ngõ xóm bằng xã hội hóa, có sự kích cầu của nhà nước. Nhưng cơ bản bằng tiền đóng góp của nhân dân. Trong khi dân làng còn nghèo, nhiều hộ còn vay nợ ngân hàng, có hộ mãi giờ mới thoát nghèo, bởi phải chắt chiu dành dụm cho con ăn học đến lúc trưởng thành. Nên làng mình làm được như vậy thật đáng tự hào. Các gia đình con cháu học hành thành đạt, thật đáng trân trọng cho sự học và hiếu học đó.

Tuy vậy qua tiếp xúc cảm thấy thu nhập của nhân dân còn quá thấp. 

Nguồn thu nhập để xây nhà cửa lấy sức lao động không kể đêm ngày của gia chủ là chính. Nguồn kinh phí chủ yếu là chi viện của con cháu làm ăn xa gửi về. Mà đồng tiền đâu phải lá mít dễ kiếm. Trong đó có người phải xa quê, tha phương nơi nước người làm thuê, hoặc kẻ bới đất nhặt cỏ, làm vập mặt cho thiên hạ mới có được đồng tiền. Ngoài chi phí cho bản thân cho cái gia đình nhỏ mới lập nghiệp, đã là quá giỏi, còn phải dành dụm ít nhiều gửi về cho cha mẹ ở quê, tu sửa nhà cửa, nộp các khoản đóng góp, cho bằng bạn bằng em, khỏi mang tiếng là đi xa mà chẳng có gì? May thay đồng tiền của con cháu được cha mẹ sử dụng tốt. Nhà có đất thì sẵn làm. Nếu mua đất thì cũng rẻ hơn phố phường nhiều, nên mới nhanh có được những sự đổi mới đó. 

Tôi muốn nói điều này để chúng ta tự hào với sự phát triển đó, đồng thời thấy được những khó khăn để chúng ta cân nhắc theo cụ thể của từng nhà, tránh huy động tiền của, dù là tiền dân làm cho dân nhưng phải khoan sức dân và tránh lãng phí.

Việc làng cũng vi như  như việc của một gia đình, việc gì cần làm trước, việc gì làm gì sau. Làm như thế nào? Có chừng ấy diện tích phải tính toán cho khoa học, không bày biện tràn lan, bặt đâu làm đấy, đã lãng phí lại không đẹp. Thời điểm nào làm phù hợp. Tiền nong ở đâu… Vợ chồng bàn cho kỹ đã. Việc nhà mình, mình quyết, nhưng có cái cần thiết phải tham khảo xin ý kiến. Cái hay thì học, cái xấu thì bỏ. Chưa giỏi giang gì mà tùy tiện lạm quyền, đang có cha mẹ, thì giữ tôn ty, đừng cá vượt qua đăng thì không nên. 

Nói dại, do không bàn kỹ,  không may có những sai sót, lúc đó, bỏ đi để làm lại thì gây lãng phí tiền của. Có cái không ưng, nhưng làm rồi, không phá được, phải để lại, thì phải tìm cách hạn chế bớt tác hại. Nếu không sẽ bị ám ảnh cả đời. Nhất là khi việc làm đó liên quan đến phát triển hay lụn bại của gia tộc, của nhiều người, nhiều đời… thì càng phải thận trọng. Qua nghiên cứu tộc phả, thấy các cụ ta khiêm tốn cầu thị lắm. Ngày nay Bác Hồ và Đảng ta cũng dạy cán bộ và Đảng viên như vậy. Có làm có sai, sai biết cầu thị đề sửa chữa, dân sẽ thông cảm tha thứ. Nhưng bảo thủ ngụy biện không chịu tiếp thu. Dựng khống nội dung từ các cuộc họp, tùy tiện bổ sung làm các nội dung khác, câu chữ mập mờ tìm cách đối phó, thì dân đấu tranh đến cùng để đi đến chân lý. 

Tôi ví dụ : Khi nào là Họ, là Làng, (Thôn thì nay thế nào. Ban liên lạc là gì? ) Quyền hành Ban liên lạc đến đâu, chứ ban liên lạc không thể quyết định thay cho họ, thay cấp có thẩm quyền.

Vừa qua, mới đi một số nhà trong làng, thấy nhà tuy nhỏ, trong thời bê tông xi măng sắt thép, nhưng họ không làm nặng nề, bố trí hợp lý trông đẹp lắm. Chứng tỏ gia chủ có kiến thức thẫm mỹ.

Nhưng có lẽ, làm tôi day dứt nhất là sự học hành của con cháu trong làng nói chung trong đó có họ Vũ. Tôi có vội vàng lắm không, khi nói việc học hành của làng nay có nhiều hạn chế. Đi từ đầu làng đến cuối làng, đi từ Chi nọ đến Chi kia, điểm từng ngành… thấy sự học yếu quá. Mọi người cứ nhẩm tính giúp tôi đi? Tại sao có tình trạng coi thường học hành như thế? Do kinh tế khó khăn phải bỏ học? Hay do nhận thức suy bì: Học cũng chẳng có ăn. Thiên hạ khối người không học vẫn giàu?

 Học để làm cán bộ, thì khối anh, trình độ có thế vẫn làm cán bộ đó thôi?

Rồi thì Họ tộc, làng ta có làm khuyến học không? Có vận động quỹ, có tới động viên, khuyến khích hộ nghèo vượt khó để cho con cháu đi học hay làm ngược lại? Tổ tiên dạy nhân bất học bất tri lý. Bác Hồ dạy học để làm người, làm cán bộ. Mình đã làm được điều đó đến đâu. Sử dụng quĩ khuyến học dân đóng góp thế nào? Ta chưa vội kết luận do đâu. Nhưng ta cứ thử nhìn lại Truyền thống xưa của tiên tổ ta, lời của Bác Hồ dạy, Nghị quyết của Đảng… làng mình thực hiện đến đâu?

Ấy! Tôi lại nói sang Làng rồi. Tôi là hậu duệ họ Vũ nhưng là dân làng Tố Phác. Dòng họ cho ta cội nguồn. Nhưng ta sống nhờ làng. Ở làng thì gắn bó, sống chết với làng. Đi xa luôn nhớ và khi già mong ước trở lại cố hương, mong có thác cũng được bên ông bà cha mẹ. 

Dòng Họ xưa sống biệt lập nào đâu phát triển. Chỉ khi đa họ, làng mới phát triển nhanh, mới phồn vinh giàu có. Ta sống với làng, làng nơi chôn rau, cắt rốn nơi nuôi dưỡng ta. Họ với làng chung một mảnh đất, một Thành Hoàng, sự tri ân và sướng khổ có nhau. Thế thì xây nhà thờ Thành Hoàng tại sao ta không phải là việc cả làng? Chưa nói làng, họ có quan hệ tình cảm láng giềng hoặc tình nghĩa sui gia? Cùng chung một chính quyền, một hệ thống chính trị? Do đó trong tôi, làng luôn trong trái tim. Làm gì có thể tốt đẹp cho làng tôi và gia đình luôn tự nguyện, kể cả giữ gìn phẩm chất đạo đưc cá nhân để khỏi tai tiếng, trước tiên cho gia đình, cho họ, cho làng. 

Rồi nữa, nhớ lời tiền tổ, từ cụ Vũ Huy, chọn nơi chín gò, nơi khí vương hội tụ, nên về mãi Phúc Kiến, mang hài cốt thân phụ sang để táng, nên mới có cụ tổ Vũ Hồn, nơi làng Mộ Trạch và con cháu họ Vũ, một trong dòng họ lớn của đất nước hiện nay. Bởi vậy bao giờ khu cát táng cũng phải sạch sẽ, an vui người chết, an lòng cho người sống. 

Còn nhiều điều muốn nói với làng với họ hàng con cháu, với trách nhiệm là hậu duệ, là người Chi2 dòng họ, đối với xã hội là nguyên lãnh đạo của huyện mà hiện tại nhiều người là lãnh đạo đương nhiệm từng là cán bộ dưới quyền. Nhưng có lẽ sẽ có một dịp khác 

Vấn đề cuối cùng 

Tôi vui cùng làng và chúc mừng Làng ta và họ Vũ có một thờ đường mới, nơi ta hương khói, nhớ ơn, tri ân người khai thiên lập địa, người sinh thành dòng họ. Tôi và gia đình cảm ơn những người có trách nhiệm của họ đã động viên con cháu là những người thợ đã lao động ngày đêm trong thời tiết khắc nghiệt để chúng ta có công trình này.

Với gia đình tôi, ngoài việc đã cung tiến xây cổng làng, đều cùng dân làng đóng góp xây nhà văn hóa làng 2 lần. Đóng góp với họ, tu bổ mộ tổ 2 lần. Như có cụ nói có khi 5 năm sau họ lại làm mới to hơn nữa…

Tôi thì mong những công trình thờ cúng mồ mả càng yên ổn cổ kính càng linh thiêng. Mấy năm rồi, làng liên tục làm việc này việc kia, động địa, kinh lắm rồi. -Lần này theo đề nghị, của con cháu, tôi đã tập trung nghiên cứu, chọn lựa các nội dung hoành phi câu đối, và đã được những người có trách nhiệm chấp nhận. Điều đó đã thể hiện sự ủng hộ của tôi trong việc làm mới từ đường 

Ngoài ý kiến của anh em bà con đã nói, tôi không nhắc lại. Cái cụ thể nữa, anh em bà con đến mắt thấy tay sờ mà suy ngẫm 

-Song tôi có những điểm góp thêm về cách tổ chức thực hiện. 

Thứ nhất làm rõ thẩm quyền người quyết định triệu tập và quyết định họp họ hay họp làng, hay phối hợp họp cả 2 thành phần. Trưởng làng là ai, có hay chưa? Mỗi khi có việc cần báo cáo với ai? Trưởng họ là ông Ninh, giờ ông đi xa, con trai trưởng là anh Yên, cháu đích tôn của ông giờ cũng đã trưởng thành. Nếu chưa đủ gánh vác thì giao cho ai? Cách làm thế nào? Do vậy ai thay mặt họ để triệu tập và Quyết định.cuộc họp đó mới là quan trọng.

Nếu các cụ hoặc ai đó nắm bắt được nguyện vọng họ và dân làng. Sau khi mời các cụ trong họ, báo cáo lại. Thống nhất mở cuộc họp họ, giao cuộc họp họ đó cho ai chủ trì nội dung thì đều được. Vì đúng người có thẩm quyền quyết định đã giao cho. Đúng thẩm quyền thì cuộc họp họ đó mới có giá trị. 

 Khi cả họ đã quyết định rồi, thì thống nhất giao cho ai thực hiện, chứ các cụ thì già, trưởng họ thì trẻ, đâu phải ai cũng ra đó mà làm được.

Lo từ thiết kế, mẫu dáng, thế đất hướng nhà, vị trí, kinh phí, nguồn huy động, ngày khởi công, hợp đồng thuê thợ… báo cáo lại các cụ biết.

Hết sức tránh cá nhân tùy ý. Việc của họ, không phải riêng vài gia đình. Không bàn kỷ, thiếu thống nhất sẽ gây bản cải. Nhất là trong huy động đóng góp.

Những góp ý chân thành của anh em bà con người có trách nhiệm phải tiếp thu, không bảo thủ.

Tôi nghĩ họ mạc là anh Yên phải gánh. Anh nếu yếu thì các con trai đều trưởng thành. Vấn đề anh Yên hay ai đó dù tài giỏi đến mấy cũng phải thực hiện có tôn ty kỷ cương dòng họ, báo cáo hội đồng dòng họ trước khi quyết định. Chứ không thể tùy ý.

- Ban liên lạc được chỉ định hoặc bầu ra chỉ là thực hiện giữ mối liên hệ dòng họ với bên ngoài. Tiếp nhận các thông tin, báo cáo lại trưởng họ, chứ không thể là người quyết định và càng không phải người triệu tập hội nghị dòng họ, nếu không được ủy quyền.

Việc họ càng không thể là “Thể theo NQ chi bộ cả thôn cả làng….”. Chỉ mong cái gì còn lệch thì kê lại cho đều, không ai lại đào sâu thêm để cho bằng. Vấn đề là cầu thị tiếp thu, tìm cách khắc phục. Đừng ngụy biện nói sai, ông Tổ buồn, Thành Hoàng làng buồn. 

Công trình sẽ hoàn thành, tất yếu nó phải vậy thôi. Có khởi công tất có Khánh thành. Xây và Khánh thành 

 nhà thờ Thành Hoàng, nên có sự tham gia của cả làng, ai cũng có trách nhiệm tham gia, trừ trường hợp đặc biệt. Không thể làm qua loa được. Khánh thành nghi lễ, tế lễ ra sao, bản thờ bát hương thế nào. Ai đứng tên, nhờ ai cúng bái? Ông Sum, ông Siêng, ông Kim, ông Chung, ông Gan, ông Hành, ông Cẩn…các bà các cụ cao niên trong làng, các cha chú trong họ trong làng, phải gắn trách nhiệm, đừng mặc các cháu, rồi ta phê phán hoặc sau này cả làng gánh chịu. Nhưng cũng không ai được chống lưng cho người làm sai? 

Bàn đi, cải nhau cho ra nhẽ cũng được. Không sợ đối thoại với dân, chỉ sợ xa dân, dân xa, chán không thèm nói nữa mới đáng sợ. Còn bàn đóng góp tiền chậm sau tý cũng được. 

Đảm bảo cho sự yên lành của làng quê trước mắt và lâu dài mới là tối quan trọng. Tiền nong yên tâm đi, khi thông rồi, dân làng sẽ đóng góp. 

Một số ý như vậy, là con em trong nhà có gì chưa thấu đáo, mong được mọi người lượng thứ. Công trình hoàn thành rồi, nhà mới, mong sớm chiều hương khói cho từ đường ấm cúng, cầu mong dân làng mãi yên bình, đoàn kết, phát triển dưới sự che chở của Thành Hoàng làng. 

Đôi điều như vậy. Xin được chúc sức khỏe  các cụ chúc sức khỏe mọi người.

 Xin được cảm ơn !

Tố Phác 3/9/2023






Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

NHỮNG VẦN THƠ VỀ CHA MẸ




TƯỞNG NIỆM 

Mùng Mười tháng Mười huý kỵ cha

Bốn ba năm ấy, người đi xa

Năm tám tuổi xuân trong vất vả

Trí lo trị quốc, trọng tề gia

Sống chẳng cho mình, cho tất cả

Việc chung cách mạng với việc nhà

Trở về cõi Phật lòng thanh thản

Để niềm thương nhớ mãi về Cha !

7/10 



VỀ NHÀ

QUẶN NHỚ MẸ TA

Bao năm mưu sống phương xa

Quê hương mới trở lại nhà Xuân nay

Trào dâng kỷ niệm vơi đầy 

Quặn lòng nhớ mẹ tháng ngày nơi đây 

***

Mẹ ta vóc hạc, hao gầy 

Gian lao, đọng lại bàn tay chai sần

Ruộng đồng, níu lệch đôi chân

Nắng mưa, bạc phếch áo quần đen thâm

Thương con phiêu bạt xa gần

Mắt mờ, bởi lệ bao lần đẫm khăn

Chiều chiều, đăm đắm ngõ sân

Lặng yên, đơn bóng, bần thần chờ con

Nhớ thương dạ những héo mòn

Đợi chờ khắc khoải, lưng còm, thân ve

Phòng đơn, giường mẹ chiếu tre

Bao đêm trằn trọc, tái tê nỗi sầu 

Tường vôi, vương đỏ cốt trầu 

Đêm nhai nỗi nhớ, ngày đau nguyên còn 

Cả đời, chưa được miếng ngon 

Chỉ quen khoai, sắn, chuối non góc vườn 

Tảo tần, gom nhặt yêu thương 

Khổ lao mẹ nhận, sướng nhường phần con…

***

Chốn xưa đầy ắp vui buồn 

Cúi đầu, thắp một nén hương dâng người 

Hãy yên lòng nhé, mẹ ơi !

Trong con có mẹ, cả đời không quên!

10/10



MẸ ƠI!

Hơn hai mươi năm vắng mẹ rồi

Lòng con nỗi nhớ chẳng hề nguôi

Đi đâu về cửa như muốn gọi

Mẹ ơi …

Như mẹ vẫn trên đời

***

Bữa ăn chẳng còn mẹ để mời

Trầu cau để héo chẳng ai sơi

Miếng ngon vắng mẹ, con như nghẹn

Nuốt lệ vào tim những ngậm ngùi

***

Con đi đây đó bốn phương trời

Nỗi nhớ trong  lòng chẳng hề vơi

Cô đơn

Đau khổ

Trong hoạn nạn

Vẫn tiếng xé lòng gọi:

Mẹ ơi !

8/5/2023

Ngày Hiền mẫu 


VU LAN NHỚ MẸ !

Vu Lan này

con nhớ mẹ, mẹ ơi

Nhớ thời lầm than

bát cơm chan mồ hôi mẹ ...

Sao ngày ấy con ngây ngô đến thế

Cái bụng đói ăn

ôm chân mẹ con đòi

Hạt lúa mẹ làm...

Nhưng ăn chỉ sắn khoai

Thèm cơm trắng

Mẹ thương con ...

tiếng thở dài nén lặng

Con lớn lên ...

Những trắng đêm mẹ thức

Với bóng đèn khuya lặng lẽ một mình

Vá áo cho con, vá nhọc nhằn cơ cực

Để mai con vào đời, với áo lành của mẹ trên lưng

Mẹ thế đó

Năm chị em còn nhỏ

Bố làm thuê, đốt gạch, nung lò 

Thi thoảng mới về, tay nải ít sắn khô...     

***    

Năm tháng qua

Dẫu cố quên lại càng thêm nhớ 

Hình bóng mẹ suốt đời lam lũ

Con vẫn cứ vô tư

Rúc nách mẹ đêm đêm

Miệng ngậm vú, tay sờ...

Nuôi con lớn thành người, mẹ xương loãng, sữa khô ...

Vun đắp cho con như vun đắp cơ đồ

                 * * *

Con lớn lên và vào bộ đội

Canh cánh bên lòng-Nỗi nhớ mẹ khôn nguôi

Mắt mẹ lệ rơi...

Quảng Trị, Cổ Thành xưa-Mẹ tưởng con đã mãi mãi đi rồi...

Ngày con trở về

Mẹ cười trong nước mắt

Giữa ban ngày sự thật vẫn như mơ

Ánh mắt mẹ hân hoan còn đọng mãi đến giờ

***

Con lại đi !

Kiếm tìm chi những mong ước dại khờ

Dù đã lớn khôn, có việc làm, có vợ

Mẹ vẫn trong đèn. Đêm lặng im đợi cửa

Trong lòng mẹ già, con vẫn cứ trẻ thơ                                     

Con có đâu ngờ

Một ngày kía mẹ bỗng ra đi

Lặng lẽ

bình yên

không lời dặn lại gì!

Mẹ thế đấy 

Sống yêu thương là vậy

Thanh thản về trời, như trái chín cây

Để lại nhớ thương ngày mỗi thêm dày

***

Vu Lan năm nay

Ngày báo hiếu

Tuy ở nơi xa chắc lòng mẹ hiểu

Nỗi lòng con muốn nói bao điều

Nhừng bận làm mẹ buồn ...

con ân hận biết bao nhiêu

Con cúi đầu xin mẹ

Hãy tha thứ cho con!

Hỡi người mẹ kính yêu

 25/8/212                 


ÂN HẬN!

Ba tám năm mãi khôn nguôi

Mùng Mười và cũng tháng Mười Bảy Tư

Đông về, buốt giá, không mưa

Rét như cắt thịt lại vừa đầu trăng

Cha đi vào cõi vĩnh hằng

Vắng con, nội ngoại, xóm làng liệu lo...

Chống Mỹ đang lúc cam go

Thương con, đơn vi vẫn cho phép về

Ba ngày mới đến được quê

Nỗi đau như xé tái tê cõi lòng....

Còn gì đâu để mà mong

Tinh khôi nấm mộ giữa lòng đất thôi..

Vô hồn, con đào, con bơi

Như tìm đồng đội ở nơi chiến trường...

Chưa nguôi đau, phải lên đường

Viếng cha, xin mẹ ...chiến trường lại đi..

Ba tám năm … dạ khắc ghi

Ăn năn không gặp lúc đi của Người..

Cúi đầu tạ tội Cha ơi

Nỗi niềm ân hận cả đời con mang

Huý kị con thắp nén nhang

Mong Cha Mẹ dưới suối vàng thứ tha ...!

10/10

Viết trong ngày Huý kị Cha


Thanh minh 

TẢO MỘ MẸ CHA

Con về tảo mộ sáng nay

Rưng rưng mắt lệ, lòng đầy vấn vương

Tay run, thắp một nén hương

Tim đau như xé, đoạn trường tâm can

Âm, dương cách trở đôi đàng 

Vắng cha mẹ, để muôn vàn nhớ thương

Ngày còn ở mãi chiến trường

Bố đi xa, chẳng nén hương tiễn người...

Rồi khi mẹ cũng về trời 

Việc công bận, chẳng chăm Người ốm đau

***

Bây giờ cha mẹ còn đâu...

Chỉ mong còn có kiếp sau đáp đền...

3/3/ Thanh minh

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

ĐẤT ĐỒNG VÁ NHỰA

 












“Cứ là dật gấu, đắp chân..”

Nắng bụi. Mưa xối, một lần đi tong !

Đường nhựa mà vá đất đồng 

Đông Lào như thế, sao không mắc cười !

“Tạo công việc cho bao người 

Chi phí vật liệu, đồng thời tiền lương…”

Máy lu, củi, nhựa, vá đường 

Tiền thuế dân góp, chuyện thường xưa nay

Di tu, dưỡng lộ kiểu này 

Tốt, xấu mặc kệ, tiền thầy cứ xơi ! 

Dã Tràng xe cát biển khơi

Tiếu lâm, ngày tháng trò đời diễn chơi.! 

21/7/2023

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

TRÔNG TRĂNG MÀ NHỚ CHỊ HẰNG
















Nghĩ mà thương cho cái chị Hằng. 

Chăn kiến, ngồi buồn nhớ cung trăng. 

Bỏ Cuội, bỏ trâu, vì “quy hoạch”.

Bởi lá đa dài? Bởi tài năng?

Ngẫm những ai người luôn chăm bẵm 

Nhử mồi bằng ghế có hay chăng?

Bị người ”nâng đỡ không trong sáng”

Ngẫm lại càng thương cái chị Hằng

15/7/2023


Thứ Ba, 4 tháng 7, 2023

ĐÂU LÀ BẢN GỐC









Tôi đọc đề thi 2016, xem họ bình và ... ngứa mồm nói tí :

"Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa"

Trộm nghĩ đây chỉ là một trong những câu thơ hay của bài thơ hay mà bác Vũ viết quá hay, từ đắt thế là cùng, rõ đến thế, hình tượng văn học hay đến thế ! Quả là "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". 

Tiếng Việt, ngôn ngữ Việt còn sâu, còn cay còn thâm thuý hơn Tàu nữa là ... Khi thì  mộc mạc, thật thà, chân chất, không chau chuốt khách sáo xu nịnh. Ví lởm khởm, nhấp nhô như đất cày, nhưng vẫn say nồng hương đất quê ta, dù cho sự thật có mất lòng, trung ngôn tuy có nghịch nhĩ. Nhưng lại có khi "lời nói không mất tiền mua.." Nên lựa lời mà nói, nói ở tận đây mà chết mãi cây Hà Nội kia, nói thế này bẻ xuôi cũng được, nói ngược cũng xong. Tưởng ngọt ngào mà lời còn cay hơn ớt đó, nhưng vẫn êm tai nhẹ nhàng. Người Việt là người duy tình mà. Ngôn ngữ từ đó cũng biến thiên, khen hết từ, ghét xúc đất đổ đi.

 Nhưng hơn tất cả, trên tất cả, tiếng Việt là tiếng của ông cha, tiếng của chúng ta, nó đúc kết chắt chịu từ lao động để sống, đấu tranh, để tồn tại. Chúng ta đấu tranh để gìn giữ tiếng Việt và sự trong sáng của tiếng nói ông cha, mặc cho nghìn năm phong kiến Phương Bắc đô hộ, chúng sát phu dâm phụ, xoá lịch sử, bỏ chữ viết, định đồng hóa một dân tộc, làm mất đi tiếng nói của dân tộc Lạc Hồng. Nhưng tiếng Việt qua thăng trầm, gian khổ, cơ cực và qua tàn phá của kẻ thù vẫn trong sáng, đầy yêu thương nhân ái, nhưng cũng rõ mặt bạn thù, kẻ tốt người xấu, để đối nhân xử thế.

Tiếng Việt từ đó mà hình thành theo nhân cách riêng có của người Việt, không thiên lộn, nói một đàng làm một nẻo, nói hay làm đểu như Tàu...Còn khi yêu quí nhau, dành lời yêu thương cho nhau thì lại mềm mại, mịn màng như lụa, ngôn từ trong sáng, âm tiết nhẹ nhàng như giót mật vào tai

Ôi ! Cả bài thơ của bác Vũ đã thể hiện vằng vặc như sao Khuê... không như hiểu như cái ông gì đó bình, sửa thơ của bác Vũ. Mà sao ông không sửa " Ôi tiếng Việt như xa tanh, như lụa " cho nó chết tiệt cái thăng hoa của thơ ca đi nhỉ !

Nguyên tác dưới đây:

TIẾNG VIỆT 

Tiếng Mẹ gọi trong hoàng hôn khói xẫm                        

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về                                   

Có con nghé trên lưng bùn ướt xẫm                               

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre            

                                                                                                              

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng                           

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya                          

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng                                 

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê                           


Tiếng Cha dặn khi vun cành nhóm lửa                          

Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi                              

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ                                    

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời                                     


“Đá cheo leo, trâu trèo trâu trượt…”                                  

Đi mòn đàng đứt cỏ đợi người thương                              

Đây muối mặn gừng cay lòng khế xót                               

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng                            


Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói                               

Vầng trăng cao như cá lặn sao mờ                              

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa   (1)                                

Óng tre ngà và mềm mại như tơ                                    


Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát                            

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh                                     

Như gió nước không thể nào nắm bắt                                

Dấu huyền trầm bên dấu ngã chênh vênh                           

                                                                                         

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy                                                     

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường                               

                                                                                                

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận  (2)                                                     

Như tiếng lòng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ gối lạy cha già                                  

                                                                                           

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng                            

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi                              

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán                                       

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời


Trái đất rộng giàu sang nhiều thứ tiếng

Cao quý thâm trầm, rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo, như giây đàn máu nhỏ


Buồm lộng gió xô mai về trúc nhớ

Phá củi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng ngẹn ngào như lời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt


Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn 

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời


Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu 

Điều anh nói hôm nay chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu                           

    

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Nhớ quặn lòng tiếng Việt tái tê

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Có cùng tôi trong tiếng Việt quay về


Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ    

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình. (3)                                                                       

 Tg : Lưu Quang Vũ          


“Tiếng yêu của những ngày xưa

 Vượt qua năm tháng bây giờ đến ta”

 Xuân Quỳnh

(1),(2),(3) là những câu nguyên bản gốc viết tay của Lưu Quang Vũ 

Sau này đã được chỉnh sửa như sau:

(1) Ôi tiếng việt như đất cày, như lụa

(2) Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng

(3) Tiếng việt ơi, tiếng việt ân tình

(Theo bản gốc do PGS-PTS Lưu Khánh Thơ.

Em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ cung cấp)