Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

NGẪM NGHĨ CỦA TUỔI GIÀ

















Tuổi già 

Rồi đến lúc, cát bụi trở về nơi cát bụi 

Trên mạng, nghe người ta xúi :

“…Cống hiến nhiều rồi 

Giờ ta chỉ sống cho ta…”

Tức là sống như con thú, chăm chút cho bộ lông mình trước đã 

Hay như con sò, thu mình trong vỏ đá

Vô cảm, dững dưng 

(Kể cả người thân, máu mủ, ruột già)!

Vợ mình ư?

Đó là con người ta !

Còn con ư ?

Là do vợ đẻ ra ?

Mặc kệ chúng.

Tồn tại, sang, hèn, rủi, may… Trên đời có số cả!

Đời cua, cua lo. Đời cáy, cáy ngoáy mà !

Từ tuổi sáu mươi, đỉnh dốc đã bước qua 

Quỹ thời gian ngắn rồi 

Hãy lo cho ta đã

Thiên hạ khen chê? Hãy bỏ ngoài tai. 

Việc thích thì làm.

Miễn là thoải mái !

Đâu khoái thì đi. 

Ăn nhậu, tiêu sài bất kỳ, những món gì mình thích!

Con, cháu, khó khăn ư?

Ai đời, vợ thì đàn bà! Đẻ ra toàn là con nít?

Ta nuôi con ta rồi. Giờ chẳng nuôi hộ con cho ai hết !

Tương lai giống nòi ư? 

Có trời mới biết !

Nhưng trước tiên

Khổ riêng, ta đã thấy nhãn tiền !

Chúng quậy phá, khóc la

Đến nghỉ ngơi, chẳng yên được nữa là 

Cái nợ đồng lần, sao mà nặng thế ”

Thiên hạ dạy đời một lẽ

“Hạnh phúc là được sẻ chia …”

Mà nghe ra chính là bo bo, lo cho cái thân già?

Đó là Tự do! Tự do muôn năm!

Tự do cho nhàn tấm thân 

Để chán chơi gần, thì đi nhởn xa

Được như thế, chắc là trường thọ 

Tiền sẵn trong bao, vàng moi trong lọ 

Thỏa chí tang bồng, thoả nỗi khát khao !

Thời trẻ đã ngoan. Già giờ hư tý sao nào?

Hãy hưởng thụ đi

Thay vì sống gấp 

Sống được bao lâu nữa đâu 

Khi thu nhập không lên, bệnh tật lại thêm vào …”!

***

Họ nói dễ

Mình làm khó biết bao!

“Vì mỗi cây, mỗi hoa 

Mỗi nhà mỗi cảnh”

Đã là con người 

Biết đâu ấm lạnh 

Biết ăn ớt thì cay

Biết đi cày thì mệt 

Biết buồn khi đám ma

Biết vui như hoa ngày Tết 

Đầu đen máu đỏ, ai mà chẳng biết nhục, vinh

Và tất nhiên:

Ai chả muốn nhàn tấm thân, sung sướng riêng  mình !

Nhưng với người Việt duy tình 

Có trái tim nóng 

Và tâm hồn không giá lạnh? 

“Trách nhiệm, ruột già ” ai mà lãng tránh 

Nên thương người, như chính thân mình

Sao có thể làm thinh

Trước khó khăn của người thân, trong một gia đình?

Và phải chăng, đây là cội nguồn sâu thẳm 

Của căn nguyên bệnh vô cảm nảy sinh 

Nhạt nghĩa anh em, đồng chí phai tình

Không như thuở xưa, cha ông hy sinh, vì công lý, hoà bình. 

(Mà suy cho cùng, ta vì chính gia đình mình và tương lai con cháu )

Chiến đấu bởi cái riêng, trong cái chung nung nấu 

Gia đình nhỏ, trong non sông yêu dấu 

Bởi vậy, khi con cháu đói nghèo, ta vui vẻ gì đâu?

Giúp được cho nhau chút nào, thì hãy giúp đi 

Chút đời già còn lại của ta, nào có nghĩa lý gì?

Khi tương lai nơi tóc xanh 

Chứ đâu dành ở nơi đầu bạc?

Đừng ngụy biện:

“rằng thì là… kệ xác

Mặc!

Khổ lao, chúng sẽ trưởng thành mau 

Không cho cá, mà là cho chiếc cần câu…”

Trong khi, đời chưa dạy chúng cách nhử mồi, ngoắc lưới…

Xô ra bể đời, khi chúng chưa đủ sức bơi?

Như lời tiền nhân, cha mẹ… dặn lời 

“Cho ít, cho nhiều, chẳng bằng cho theo cách của ta”!

Đó là gia phong, truyền thống mỗi nhà

Trẻ ngoan hiền, gốc là từ mẫu mực của ông cha

Từ tấm gương yêu thương, nhân ái, chan hoà 

Bởi lẽ giản đơn: 

Nếu ruột già, máu mủ, ta không thương

Liệu có thương nổi, những người dưng, nước lã?

Nhưng ngẫm vậy thôi! 

Mặc lòng thiên hạ

Dù họ nói nghiêng, hay là nói ngã

Ai có điều kiện thì theo 

Ai cháu con vất vã, còn nghèo 

Hãy giúp chúng !

Ít hay nhiều, chứ đừng nên lãng tránh 

Bắt chước sao nổi, những đại gia đô thành 

Biệt thự, xịn xe, định cư ngoài nước 

Của để dành, không sao kể xiết 

Cháu, con học trường sang

Ăn uống nhà hàng

Chọn người giúp việc 

Vậy thì:

Xin đừng nhìn lên cao, thở dài, nuối tiếc 

Mà hãy nhìn ngang

Và nhìn xuống dưới- đồng bào!

22/1/2022

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

KHÓC MA MƯỚN

 









Dân gian có câu”khóc như khóc ma mướn”. Ấy là câu ám chỉ những hành vi hời hợt, không thực lòng, kiểu “nói vậy mà không phải vậy, nói rứa mà không phải rứa! Làm một đằng, cái tâm một nẻo“. Nhưng trong xã hội, đối với một số người, nó là cái nghề kiếm sống vậy 

Khóc mướn có từ xưa. Tuy mai một theo năm tháng, nhưng đến ngày nay, việc khóc mướn, đôi nơi ở xứ ta vẫn còn, như một nghề đặc thù, được cơ cấu, biên chế trong phường bát âm, chuyên phục vụ nơi đám hiếu. Tuy không trường lớp đào tạo, không bằng cấp, nhưng có ”chuyên môn khóc giỏi”, nên chẳng phải đầu tư kèn, để thổi toe toe, khỏi đầu tư trống, để gõ bong bong, khỏi sắm nhị, kéo ỉ eo. Chỉ cần“vốn tự có”là cái miệng rộng, cổ họng âm phát to và cái đầu vô cảm, nhưng thuộc làu mấy câu ca buồn, cứ thế réo lên là đủ. Tuy, tay không bắt giặc, mà cơm rượu đề huề, thu nhập lại cao ra phết. 

Việc khóc mướn, thường được dùng trong các trường hợp gia đình có người thăng thiên, nhưng hoàn cảnh neo đơn, người lo tang lễ chưa xong, lấy đâu nhân sự ngồi khóc! Mà chả lẽ đám ma lại không khóc, hay chỉ có vài giọng khóc lẻ loi? Họ cần có tiếng khóc hỗ trợ, nâng đỡ trong sáng cho gia chủ, thêm phần mùi mẫn, bi ai. Thế là họ thuê khóc mướn.! 

Nhưng cũng có trường hợp, cha mẹ mất, con cháu đông, anh em nhiều, mà lạ thay, đùn đẩy nhau khóc và rồi…không ai khóc! Thế là xì tiền, họ thuê khóc và thế là khóc mướn có dịp lên đời. Trống đánh, kèn thổi, người nói ồn ào, tát nước theo mưa, cứ thế réo “ông hôi, bà hôi” trong bản trường ca không rơi lệ. Thế mà vừa nghỉ lấy hơi, nghe tiếng tiền rơi, kịp thời lại khóc tiếp. Khóc mà mặt tỉnh bơ, mắt khô, ráo hoảnh. 

Song! Dù trong hoàn cảnh nào, khóc mướn cũng được thuê và trả công. Riêng trong đại dịch Cô vít, với hơn 3 vạn người ra đi, trong cách ly, trong cô đơn, buồn tủi. Chết trong sợ hãi, cô quạnh, vắng bóng người thân. Dù có tiếc thương, người thân cũng đành nhỏ lệ, ở nơi xa bái vọng. Chả thuê ai, mà cũng chẳng ai thuê khóc mướn và thấy thiên hạ cũng im. Thật đáng thương thay.

Cứ như trường hợp một ca sĩ nọ, ra đi vì cô vít. Sự tiếc thương một con người, ai mà chẳng có, khi nghĩa tử, nghĩa tận. Huống chi, đây là một nghệ sĩ tài hoa, có trái tim nhân hậu. Nhưng đang dịch Cô vít, nào ai dám tổ chức tang lễ để mà khóc và thuê khóc mướn. Đành trong cái chung mà thôi. Thế nhưng bỗng lòi ở đâu ra, một số người không ai thuê, chẳng biết có vô tư không, nhưng thấy ào vô khóc mướn và chửi bậy. Rồi báo, rồi hổ, vườn gần, rừng xa, lá cải, lá ngón… bâu vào, la khóc rầm rầm, tha ra đủ thứ, thượng vàng, hạ cám của người ta. Quên cả việc nhà, mà lo ma hàng xóm. Quả là thương tâm thật!

12/10/2021

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

VỀ NHÀ QUẶN NHỚ MẸ TA









Bao năm mưu sống phương xa

Quê hương, mới trở lại nhà Xuân nay

Trào dâng nỗi nhớ vơi đầy 

Quặn lòng nhớ mẹ những ngày nơi đây 

***

Mẹ ta vóc hạc, hao gầy 

Gian lao đọng lại, bàn tay chai sần

Ruộng đồng, níu lệch đôi chân

Nắng mưa, bạc phếch áo quần đen thâm

Thương con phiêu bạt xa gần 

Mắt mờ, bởi lệ bao lần đẫm khăn

Chiều chiều, đăm đắm ngõ sân

Lặng yên, đơn bóng, bần thần chờ con

Nhớ thương, lòng mẹ héo mòn 

Đợi chờ, khắc khoải, thân còm, xác ve 

Phòng đơn, giường mẹ chiếu tre

Bao đêm trằn trọc, tái tê nỗi sầu 

Tường vôi, vương đỏ cốt trầu 

Đêm nhai nỗi nhớ, ngày đau nguyên còn 

Cả đời, chưa được miếng ngon 

Chỉ quen khoai, sắn, chuối non góc vườn 

Tảo tần, gom nhặt yêu thương 

Khổ lao mẹ nhận, sướng nhường phần con…

***

Chốn xưa đầy ắp vui buồn 

Cúi đầu, thắp một nén hương dâng người 

Hãy yên lòng nhé, mẹ ơi !

Trong con có mẹ, cả đời không quên!

10/10/2021


Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

CẢM XÚC THÁNG MƯỜI

 








Ôi tháng Mười mà ta mong đợi

Khi thấy heo may thoảng đến nơi rồi

Nghe se lạnh trong từng cơn gió thổi

Len lỏi về ngõ nhỏ đợi chờ đông

***

Cái nhớ bổng dưng gõ cửa cõi lòng

Sương  phủ nhẹ, gói buồn trong tĩnh lặng

Ai đợi ai, khăn đìu hiu phố vắng

Nghe mơ hồ sâu thẳm nỗi niềm mong


Nước biêng biếc, mặt hồ thu lặng sóng

Cốm xanh thơm, bên đỏ mộng quả hồng 

Thu thai nghén trong lòng bao ước vọng

Nghe trở mình bãng lãng một mùa đông


Nhưng bỗng dưng, lòng ta chợt bâng khuâng 

Một thu cũ tàn dần trong héo úa

Người ra đi...

Đâu ngoãnh đầu lại nữa...(1)

Day dứt mãi, nỗi sầu đong chất chứa(2)

Cho thai nghén giao mùa 

Tháng Mười của chờ mong 

***

Tháng mười ơi! Ai đợi ai trông 

Hương hoa nở dưới trời thu lặng gió

Tiếng mưa rơi, níu đêm dài nỗi nhớ

Ai trao ai, chút hương thoảng giao mùa...

***

Anh nằm nghe gió thoảng cuối trời thu

Nhớ len lén, chui vào trong giấc ngủ

Đêm đã về khuya 

Em còn đâu đó

Sương lạnh vai gầy...  

Có biết đã sang đông

 V V L

(1) Ý thơ Nguyễn Đình Thi: "Người ra đi, đầu không ngoảnh lại.."

(2) Ý thơ Nguyễn Du :" Sầu đong càng lắc càng đầy..."


Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

GỬI TẶNG SUI GIA

 














Tuổi bát thập niên, vẫn anh minh

Vượt lên hoàn cảnh, thắng chính mình

“Lễ, nghĩa, trí, nhân…” lòng trung, hiếu 

Vững vàng ý chí một chiến binh 

Trọn cả cuộc đời, chăm cây đức 

Chỉ mong dành phúc, để hậu sinh

Yêu, quý rể, dâu, thương con cháu 

Sui gia, gắn bó một chữ tình

1/9/2021


HẸN ÔNG DỊP TỚI 

( Gửi ông bà sui gia)

Tin ông xuất viện đã về nhà 

Chưa kịp đến thăm, tại đường xa

Thủ đô dãn cách, mùa dịch dã 

Bởi bọn cúm Tàu, chủng Denta

Nhớ chẳng được về, đành để dạ

Cái mong cái muốn, dễ quên à?

Hẹn ông dịp tới, ông bà nhé 

Tan dịch, xum vầy, gặp tại gia…!

20/9/2021


NẾU KHÔNG CÓ EM

 














Anh biết làm gì

nếu không có em

Người ngơ ngẫn

quên quên

nhớ nhớ

Đang làm đó

chán chường rồi bỏ 

Dạ băn khoăn

như kẻ lỡ hẹn hò

***

Anh chẳng làm gì

nếu đời thiếu vắng em

Tết đến

Xuân về

thảy đều vô vị...

Tẻ nhạt rượu bia

chán phè đồ nhắm

Dẫu mâm còn đầy

thịt chả

giò nem

***

Anh biết làm gì

nếu chẳng có em

Niềm thương yêu cứ như lẫn trốn

Giữa dòng đời với bao bề bộn

Nắng đỏ trời

mà lòng lạnh tái tê 

***

Cứ nhớ thương đi

Dẫu ta vẫn cận kề 

Dù con cháu để huề, nam nữ 

Tình yêu thương, muôn đời vẫn thế

Dù hạnh phúc hay cuộc đời có là dâu bể

Miễn anh còn em

để nhớ thuơng còn có lối về !

 30/12 Giao thừa Giáp ngọ



Thứ Hai, 13 tháng 9, 2021

NGẪM VỀ CÁI LO VÀ SỰ KHEN CHÊ


















Đời có bao nỗi lo. Có thể nói là lo cả đời. Nào là lo làm ăn, lo áo, lo quần, lo tạo dáng, đánh bóng mình để khoe mẽ; lo kiếm trác để làm giàu, lo tìm bạn, kiếm người yêu. Lo vợ con, sướng, khổ. Lại có kẻ, cả đời bồ bịch, quanh năm chuyên lo mỗi chuyện khuất tất, bị lộ. Rồi thì người lo lỡ hẹn vì trót hứa, trót hẹn hò, lo trả nợ vì đã trót ăn quà. Thậm chí đắn đo lo đám Giỗ, ngoài nghi lễ huý kỵ ra, còn cốt để trả nợ miệng. Lo hôm nay, lo ngày mai, lo cho cái thân mình. Lại còn bao đồng, lo cả cho thiên hạ, kiểu lo bò trắng răng…(ti tỉ cái phải lo là vậy ). 

Nhưng có lẽ, 3 nỗi lo, mà quan niệm xưa, người bình thường, sống trên đời phải đặt lên trên hết. (Tuy ngày nay, có nhiều cái khác. Cứ nhìn các vụ án cha con, anh em, vợ thuê, chồng tạm…thì rõ).

- Lo Cha mẹ già, khi sống thì quan tâm, chăm sóc. Lúc ốm đau, thuốc thang, thường xuyên thăm hỏi, nâng giấc. Khi nằm xuống, hiếu đễ, ma chay, cho mồ yên mã đẹp…Ở xa xôi đến mấy cũng về chịu tang, để thiên hạ khỏi chê cười, trách chê là bất hiếu

- Lo có nhà cửa. Có của thì mằn to, biệt thự, vi la… ít ra thì vài ba, nhiều dăm, mươi cái. Nghèo hèn, chặt hẹp, thì mái lá, đậy tôn, xấu đẹp gì thì cũng có cái mà chui ra, chui vào. To, nhỏ, tùy điều kiện, nhưng là nhà của mình, có chỗ mà đặt bàn thờ tổ tiên, cha mẹ. Chả ở đợ, ở nhờ bố con thằng nào 

- Lo dựng vợ, gã chồng cho con. Chúng yên bề gia thất, mới yên lòng khi nhắm mắt. Giàu nghèo, xa gần không cần. Miễn chúng yêu thương, hạnh phúc. Nghèo mà yên ấm. Chỉ lo vô phúc, khi tiệc rượu cưới con, khách uống chưa hết say, chúng đã chia tay, líu ríu đưa nhau ra tòa. Hoặc hay ho gì, khi giàu có mà chửi nhau suốt ngày. Bực lên, cứ mẹ, thày của nhau, chúng réo!

Đó là 3 nỗi lo lớn nhất của một kiếp người, mà bình thường, ai cũng phải lo. Dù phải bới đất nhặt cỏ, gian khó cũng tìm cách mà làm. Kẻ mà vô lo, vô tư đến bỏ mặc, đến đâu hay đó. Chắc chắn loại người đó bị chê là người không bình thường! Dù có nguỵ biện mấy đi chăng nữa, ta cứ nhìn xem, loại người đó liệu có ra gì? Nhưng, có kẻ lo mà tham lam, mà bất chấp cả đạo lý, nhân cách. Tham nhũng, vi phạm pháp luật để giàu có, thì chỉ đem họa vào thân. Cái lo đó là lo nhãn tiền, lo ngay ngáy, lo để không vương vòng lao lý, dù sống kiêng số 49-53, ngày chẳn, ngày lẻ. Lo đó, dù có ranh ma trốn tránh, thì cũng bị sa lưới, bị người đời chê cười, nguyền rủa. Song sự khen, chê ở đời cũng vô cùng, với bao nhiêu kiểu cách khen chê. Chê trước mặt, chê sau lưng, chê gần, chê xa xôi, ''nói đây chết cây Hà Nội''. Chê vì không làm hài lòng mọi người ư? Cái sự chê không đáng chê, ấy đó là ghen ghét. “Kẻ nào định làm hài lòng tất cả mọi người, thì kẻ ấy sẽ không làm hài lòng được một ai cả”. 

Thậm chí, khi chết rồi, mà đời vẫn chưa tha thứ, bia miệng vẫn còn trơ trơ, chả cần cổng cao khắc đá. Nhân vô thập toàn mà. “Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”, là thế đó!

Cái sự khen ư? 

Ngoài làm việc tận tụy, để được bằng khen, huân chương. “Được tiếng khen, ho hen không còn”. Lại có kẻ thích khen đến mê đắm, dù là khen nịnh, khen đểu. Nào là khen khéo chạy, khen mặt trơ, khen giỏi luồn lọt nịnh bợ. Bởi vậy, loại này, khi được góp ý, dù đã sai lè lè, họ cũng nhảy cẫng lên phản ứng.

- Được người đời, đánh giá là sống có Hiếu, có Nghĩa, có Nhân, có Trước,  có Sau… Ấy là lời khen cao quí nhất và chính cũng là cái khó nhất của một kiếp người vậy. 

Sự đánh giá là của thiên hạ. Thiên hạ vốn công bằng. Nhưng có lẽ, kẻ bị đời phỉ nhổ, khinh miệt nhất, đó là kẻ bất hiếu, đồng nghĩa với nó là loại Vô ơn, bất nhân, bất nghĩa(già bạc đầu còn ác, kẻ ăn xong quẹt mỏ, qua sông, đấm buồi lên sóng. Thoát vòng, cong đuôi. Khi quyền cao chức trọng, quên đi thuở hàn vi, phụ công ơn, phụ lòng tốt của người khác. Đến cả ơn sinh thành chúng cũng chẳng màng). Đó là những kẻ lưu manh, đốn mạt nhất trên cõi đời này vậy !

9/2021