Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

TÀN MỘT CUỘC CHƠI












Thế là tàn một cuộc chơi 

Từ nay bướm lả ong lơi mặc lòng

Hết rồi những nhớ cùng mong

Đêm ba ngày bảy, chẳng không buổi nào

Tiền đồn đối thủ nốc ao

Bách chiến bách thắng trận nào cũng phê 

Bây giờ thất bại ê chề

Nhìn ruồi, ước khỏe, ta thề chẳng tha

Thêm Xuân, thêm tuổi thêm già

Cờ tàn, bại tướng ngồi mà ước ao ...

      U70

  Giã từ vũ khí


AI CÒN KHOÁI HƠN















Sáng dậy tất bật đủ đường

Chuẩn bị đưa cháu đến trường mầm non

Liều chẳng được với cháu con

Nhiệm vụ tài xế xe ôm sáng này

Cuối tuần nghỉ học 2 ngày

Cháu thì mừng một, ông đây khoái mười

Hai ngày cháu được vui chơi

Hai ngày ông được thảnh thơi an nhàn

Chẳng phải tất bật vội vàng

Ngủ dậy thật muộn, trong màn lướt FAY 

Hỏi rằng : ai khoái nhất đây ?

Ông hay là cháu, giải bày thử coi ? Kk !

17/2/2017 


ĐỪNG TƯỞNG ĐỎ LÀ CHÍN












Mùa vú sữa, chín tím cây

Của thật, giá rẻ, bán đầy làng quê

Căng mọng, tươi rói mua về

“Rau sâu, đầu chấy”.... hả hê chuyến này

Vô tư, cứ thế chén ngay

Bỗng thấy ngọ ngoạy, bám dầy mép râu

Ối trời! Dòi quả trắng phau

Lúc nha, lúc nhúc, thi nhau nó bò

Nôn oẹ, khạc nhổ, vãi ho...

Ngon mồm mỗi tí, sự lo hãi hùng 

Bên ngoài, đẹp, nhưng nội dung ?

Bên trong sâu ruỗng, chẳng dùng được đâu

Tổ tiên dạy đã từ lâu

Xem vỏ, xanh, đỏ... lòng thau hay vàng

Tri nhân, tri diện đàng hoàng

Cẩn thận, tìm hiểu, rõ ràng tài, tâm !

Duyên se, mong chớ có nhầm

Kẻo dăm năm tiếc, ôm cầm thuyền ai !

19/4/2021



KHOE CÙNG THIÊN HẠ








Tín hiệu giao thông đã lắp rồi

Ngã tư 

Xanh, đỏ có hẵn hoi

Tần ngần anh lái xưa nay

Lạ

Ngỡ ngàng cô bác ngó ngơi

Coi

Tác xi mọi bữa nghênh ngang 

Đứng

Giờ hổng dám đâu

Sợ tuýt còi

Thị trấn quê tôi đang đổi mới

Xin mời bạn hữu ghé đây

Chơi

           29/4/2016

   Ngã tư lắp tín hiệu GT

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

CẢ LÀNG ĂN THỊT



Những năm 70 của thế kỉ trước, thôn quê miền Bắc đều vào hợp tác xã hết. Và tất nhiên, mọi thứ, cái gì cũng là của Hợp tác xã… Ruộng đất, cày, bừa, trâu, bò, tư liệu sản xuất... kể cả lao động... Tất cả là của Hợp tác xã (HTX). “Hợp tác là nhà, xã viên là chủ“ mà, và trên hết, đại diện làm chủ chính là Ban quản trị( BQT) và mô hình này, thời gian đầu, cơ bản có nhiều ưu điểm và tạo nên sức mạnh góp phần tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. 

Quay lại chuyện tư liệu sản xuất của HTX, mà trong đó chuyện con trâu là hệ trọng, là chuyện tày trời. Muốn bán trâu bò, bê nghé, thay tên, đổi chủ hay giết mổ đều do BQT quyết. Do đó, lâu lâu khi BQT thèm thịt, hay nhân có sự kiện nào đó, là họ tìm cách giết"bạn của nhà nông", để đã cơn thèm, dù con trâu, con bò, bê nghé đó đang khỏe mạnh. Tất nhiên, thường dân chỉ biết đứng dòm, ngửi mùi thịt nấu thơm lừng, từ nơi cán bộ họp bay ra, hưởng hương hoa, mà thèm nhỏ dãi. Thời buổi gạo châu, củi quế, nông dân mà đòi ăn thịt trâu, chỉ có trong mơ !

Một lần ở thôn Mai, thuộc một xã Định. Con trâu mộng nhà ông Ba, không may, bị đá núi làm sớt da chân, bước đi vốn vòng kiềng, giờ thêm khập khiễng. Mà què thì làm sao đi cày. Cái cớ rõ như ban ngày để BQT có lý do, quyết cho trâu lên thớt. Gia chủ khỏi nuôi trâu, đỡ vất vả nhé. BQT thì thay mặt, đại diện cho xã viên hưởng thụ. Thật là lưỡng lợi đôi đường. Ai mà kêu: “Chỉ dân là thiệt, là không còn bạn trâu để nuôi, không còn công điểm chăm sóc, không được công cày bừa. Từ nay, không còn đít trâu ỉa ra, để làm “nghĩa vụ nộp phân” bón ruộng cho hợp tác theo định mức. Và trâu chết, đến miếng thịt, hay miếng da dai, chắc chắn cũng chả đến phần gia chủ, mặc dù sớm tối nuôi trâu”. Quả là họ không hiểu gì về cơ chế! Dân làng nghe tin, tranh thủ tạt qua nhòm cái. Dần dần tụ tập đông người, chặt cứng cả sân nhà  ông Ba. No thì cứ chuyện ấy nói. Đói thì kể chuyện ăn…  Xưa nay vốn thế mà. Và chuyện về trâu cứ là như pháo nổ. Bổng nghe tiếng ai nói lớn 

-Ta thịt trâu chia nhau đi. Họ đến là mất trắng ... Của mình chăn dắt, nuôi nấng mà chịu nhịn thèm à!

Mọi người cười ồ, coi là chuyện vui. Ngoái nhìn, té ra là ông Ca, một bợm rượu có tiếng, thường ngày lười đi làm ngoài đồng, vin ốm đau, tránh nắng cầu rợp, để làm việc nhẹ trong nhà. 

Thế nhưng đám đông nhiều tiếng nhao nhao, đồng tình 

-Đúng đó, thịt đi, thịt chia cho cả làng đi...

Một thanh niên, nhanh nhẹn dắt trâu ra khỏi nhà ông Ba, buộc ngay tại ngã ba làng, “nơi trời, đất không là của ai cả...”. Rồi thì việc gì đến tất đến. Con trâu bị ai đó đập hòn đá to tướng vào đầu, ngã quay đơ, mép sùi bọt trắng như bọt xà phòng. 

Đám đông đang náo động, bỗng lặng như tờ. Trâu chết đâu dễ hết chuyện. Ấy là nó bị tai biến đấy chứ … Phải báo cáo trên thôi. Mà cán bộ thôn, hàng ngày đông đủ thế, giờ bỗng đi đâu hết. Cuối cùng thì chỉ mình con trâu bị giết. Thịt, da, lòng ruột, xương cốt... chia đều cả làng, ai ai cũng có phần. Làng cứ vui như Tết !

Thịt trâu xào hành, nước mắm, gừng tỏi, thơm nức cả làng, ai cũng hoan hỉ. Gia đình ông Ca cũng bình đẳng như mọi người, mặc dù ông là người đầu trò, là một tay đao phủ... 

Khi rượu vẫn còn ngà ngà, ông bỗng nghĩ đến trách nhiệm của mình mà sợ: "Nếu BQT cho Công an, Kiểm soát đến điều tra thì sao nhỉ" ? Lộ ra có mà tù...

Thế là ông vội đi đến từng nhà, rỉ tai mọi người. Chẳng hiểu họ trao đổi gì, chỉ nghe câu cuối...”Cứ thế, cứ thế nhé ...! Mà thật ra, khi thịt đã ngấm chân răng, thì nói năng chi nữa?

Ngay chiều đó, BQT, Công an, Kiểm soát HTX rầm rộ kéo về. 

Sân đình chặt ních người.... Nữ nhi, nam phụ, lão ấu, đều được mời làm nghĩa vụ công dân và chung qui chỉ mấy câu hỏi và trả lời, quanh vụ trâu chết, mà chưa hết chuyện : 

-Ai làm thịt? 

- Cả làng làm thịt

-Ai cầm dao ?

- Cả làng cầm dao

-Ai chọc tiết ?

- Cả làng chọc tiết 

-Ai ăn thịt ?

- Cả làng ăn thịt.

Kha ! Kha. Thế là  BQT chịu thua, hậm hực ra về, không ai tiễn !

Khi ấy đang tập trung cho công cuộc chống Mỹ. Ai cũng tưởng chuyện tày đình này, để lâu hoá bùn, dù trời hay vua cũng thua cả làng. 

Thế nhưng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi, và cái gì đến sẽ phải đến. Nghe đâu, sau này ông Ca bị qui "Tội phá hoại tài sản tập thể" và chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thật là đòn đau nhớ đời. 

Duy chỉ một điều lạ là, đi tù mà ông và gia đình ông đều được dân làng yêu mến kính trọng. Không bị dân khinh miệt như mấy ông quan cổ cồn, tham nhũng, bị vào lò như hiện nay. 

Riêng dân làng Mai khi ấy được bữa thịt trâu ngon. Mà “miếng ngon thì nhớ lâu. Đòn đau thì nhớ đời…”. Nhưng họ không bị đòn và vẫn bình an cho đến bây giờ.

 22/4/2017






Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

VỀ LÀNG ĂN CỖ CƯỚI








Nhận được lời nhắn gởi

"Bác về ăn cỗ cưới 

Bảy giờ bắt đầu rồi

Nhớ về không cỗ nguội.."

***

Lời mời đến vừa chiều tối

Lo mai sao kịp tới nơi

Đến làng, niềm vui phấn khởi

Đã nghe oang oang loa mời

Tấp nập làng quê như hội

Ai ai cũng thấy nụ cười 

Bao năm quê người xứ lạ

Chung phố, gần vẫn như xa

***

Cỗ quê thịt gà đi bộ

Thịt nghé đang độ tuổi hoa

Ao nhà quăng chài bắt cá

Lợn chuồng vừa xã thịt tươi

Giò nem, miến dong, bánh lá

Cả làng chuẩn bị hôm qua

Rau vườn, lá mơ, sung vả

Rượu quê hương vị đậm đà 

Bạn bè, bà con làng xã

Ai cũng đến chúc người xa

Vui buồn giận hờn có cả

Trách “quên tên cháu rồi à ...

Nhìn mặt, nhớ già, đoán trẻ

Chịu luôn, toét miệng cười xoà

Chén vui, hàn huyên đa tạ

Say xưa chẳng muốn lại nhà 

***

Trẻ trai tung hoành xứ lạ

Cố quê, trở lại khi già 

Tổ tiên, ông bà, mồ mã

Nặng lòng mọi kẻ đi xa

Hám gì, thác xây bia đá

Đắt đỏ nơi chốn phồn hoa

Sau này thân tàn nằm xuống

Chỉ mong ở cạnh ông bà

***                              

Tiệc xong, trở về phố xá 

Khôn nguôi nỗi nhớ quê nhà

2/2013        


Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

Chân dung KẺ CƠ HỘI

 


Hắn đó, một thằng người cao khoảng trên 1,6m, da ngăm ngăm, túm tóc đen, xoăn trước trán, trông bẩn thỉu. Dáng đi tất bật, mắt đảo điên, ít dám nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện. Hắn lợi khẩu, to mồm liến láu và biết đôi chút thơ văn, thường hay ti toe, khoe mẽ đọc thơ. 

Thuở đạn bom, trai tráng, người tài, khỏe mạnh đi bộ đội, chí ít đi thanh niên xung phong hoặc dân công hỏa tuyến. Lọt lưới ở nhà, hắn đi học tại chức. Ở quê thời ấy, quả là xứ mù, thằng chột làm vua. Hắn được làm kế toán thôn, chuyên nghĩ mẹo làm sao thu vượt của dân"từ cân thóc, đến con gà nghĩa vụ”để vừa có tiếng, vừa có miếng, có cơ biển thủ của thừa làm của nhà hoặc mang hối lộ cấp trên để mong được thăng tiến tiếp, mặc cho cuộc sống dân chúng cơ hàn. Rồi hắn được vào Đảng, từ cán bộ thôn, hắn lên làm cán bộ Hợp tác xã.

Xã hắn, có thời nội bộ lộn xộn. Cơ hội đến, hắn được cấp trên chấm,''làm cán bộ chủ chốt'' sắm luôn cả hai vai, nắm cả quyền lực chính trị và kinh tế. Thời bao cấp, cơ chế xin cho, lương thực, thực phẩm quý hơn vàng. Chủ nhiệm HTX quyền sinh quyền sát, còn oai hơn cả ông Chủ tịch. Nhiều người yếu tim, kẻ cơ hội tham lam, vì lí do này mà phải quỵ lụy hắn 

Mới hay, thời nào cũng vậy, kẻ nắm kinh tế công, hay kẻ trọc phú, dù từ nguồn sạch hay bẩn, đều có chung ma lực"mạnh vì gạo, bạo vì tiền, có sức mạnh đâm toạc tờ giấy”, dù cho nhân cách thấp hèn, năng lực láo cá kiểu ma cô. Thế nhưng, cái trò ma mãnh của hắn chỉ đánh lừa được quan trên, chứ cán bộ và nhân dân địa phương không ai lạ gì bản chất hắn. Do đó, từ khi hắn làm chủ chốt, địa phương chỉ tạm ổn định được thời gian đầu. Sau đó, tình hình mâu thuẫn nội bộ ngày càng trầm trọng. Những cán bộ lão thành, những cựu chiến binh vào sinh ra tử, những đảng viên trung kiên, những công dân chân chính, đứng lên đấu tranh, phê phán hành vi cơ hội của hắn. Nguy cơ hắn bị tẩy chay. 

Bảo vệ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ Cấp uỷ, khi ấy quan trọng lắm. Thế là hắn được điều vội lên trên, trước kì Đại hội các cấp diễn ra, mặc dù chưa biết bố trí hắn công việc nào cho phù hợp. Thế là đâm may cho hắn. Hắn được bố trí nay việc này, mai việc khác, toàn là những việc hữu danh vô thực. Cho đến một ngày hắn ta chợt nghĩ:"phải dùng cái bài xu nịnh kẻ có quyền chức... may ra..." và thế là hắn được bố trí việc có vai vế. 

Từ khi có chức quyền, thói cậy quyền, cậy thế, thói ăn sướng quen mồm, tham, bẩn và bủn xỉn xưa, bùng phát. Đặc biệt là nết ở, ăn. Ngồi vào bàn ăn, với cặp mắt mắt hau háu, hắn bao giờ cũng"tót sỗ sàng"chen ngồi giữa, mặc dù còn có người tuổi cao, chức cao hơn hắn.

Vào tiệc, biết phận mình cần phải chào ai, hắn rót vội ly rượu, xăm xăm đến, xin cụng ly, ngay cả khi quan khách chưa kịp yên vị. Xong việc, hắn te tái chạy về bàn, vội cứ như bị ma đuổi, sợ về chậm người ta xơi hết. Ngồi xuống là hắn vục mặt vào ăn, ăn hùng hục như ma đói, ăn như chưa hề được ăn. Cả đĩa thức ăn chung, hắn dùng đũa đào bới, gãy ngang, gãy dọc, trộn lên trộn xuống. Tìm được miếng ngon, bỏ vào bát, hắn còn cẩn thận thu vén lại, mút đũa chụt một cái, trước khi đưa chiến lợi phẩm lên mồm, nhai nhổm nhoằm, đầy mãn nguyện!

Có khách đến chào xã giao, hắn vơ vội li rượu, chạm cạch một cái, ngửa cổ ực một hơi, liếm mép, xoè vội bàn tay, ngón ngắn chủn chỉn, đen đúa, bầy nhầy mồ hôi, nhớp nhúa dính mỡ thức ăn để bắt. Xong là vội vàng tiếp tục chúi mũi vào ăn. Cả người hắn bốc lên mùi hăng hắc, khăm khắm của hôi nách và chua chua của mồ hôi, nồng nồng, tanh tanh, khai khai của mùi thức ăn chín, lẫn mùi hành, tỏi, mùi bia rượu và gia vị sống, tạo nên mùi tởm lợm, đặc trưng cho chính cái mùi của hắn.

Nhưng những ai đã bắt gặp hắn chơi cầu lông mới hãi: hắn chạy hùng hục, lăng xăng trên sân, vụt lung tung, ngán nhất là sợ hắn vụt vào đầu. Mùi hôi nách hăng xì như mùi chuột chù, vãi ra nồng nặc khắp sân, đến trọng tài ngồi ghế cao cũng phải hắt hơi.

Bởi tính cách hắn và cái mùi hôi nách thổ tả, thói ăn xấu như cẩu, mà mỗi khi tiếp khách hay liên hoan, anh em cơ quan, nào có ai muốn ngồi cùng hắn đâu. Chỉ khổ Thủ trưởng cơ quan, nhiều khi vì trách nhiệm, khi sắp xếp an vị cho khách xong, ông phải ngồi chung bàn cùng hắn cho đủ mâm, bát. Nghe đâu, có lần ông đã nhắc nhở :

 "Thể thao xong, liên hoan hay được mời tiếp khách, vội mấy cũng phải tranh thủ tắm rồi hãy đi ăn. Ăn xong, có xe hoăc xe Buyts, về cũng chưa muộn. Định ăn miếng nào, nhắm kĩ, gắp luôn, đừng bới như gà, khó coi lắm"!

Chả biết cái đầu Thiên Lôi,chỉ đâu, đánh đó của hắn có suy nghĩ gì không, nhưng từ đó thấy cũng sạch sẽ, đỡ mùi hôi hơn. Nhưng trong thâm tâm, có lẽ hắn thù người góp ý cho hắn và có dịp là hắn sủa, làm theo kẻ giật dây, suỵt chó vào bụi, bất chấp có thời người đã cưu mang nâng đỡ, tạo điều kiện cho hắn chạy làng, tham mưu bố trí việc cho hắn, mà đến ly nước nhà hắn, ông cũng không thèm uống.

Thói đời, tật xấu trong ăn uống, nếu để ý, nhìn người ta mà học,''ăn xem nồi, ngồi xem hướng''... thì có thể sửa được. Nhưng sống ở đời mà"ăn cháo đá bát", bất nhân, bất nghĩa, xu nịnh kẻ đương chức, nói xấu người lãnh đạo, kiểu thoát vòng cong đuôi, là người thì phải tránh điều xấu xa ấy. Đó là đạo lý đơn giản ở đời của người có nhân cách. Thế mà bố mẹ hắn lại quên, không dạy hắn từ xưa, nay thành cố tật rồi, khó sửa lắm!

Còn với người làm công tác tổ chức cán bộ, qua nết ăn, nết ở và lối sống, phần nào phản ánh nhân cách của mỗi người. Từ đó mà nghiên cứu, xem xét, bố trí xử dụng phù hợp. Dùng người như dùng mộc, nếu vì tập thể, vì việc chung, xin nhớ, chớ dùng loại người tham ăn tục uống này !

8/2013