Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

MỘT DÒNG SÔNG ĐANG BỊ BỨC TỬ




















Bồng Nga, một nhánh của sông Cầu Chày, chảy qua xã Định Bình, Định Hoà rồi lại hợp nhất với dòng chính tại làng Đồng Hà để rồi xuôi về ngã Ba Bông, qua Đò Lèn, đổ ra biển Đông. Xưa có câu"Sáng Bồng Nga, tối lại Bồng Nga”là vậy.
Sau hoà bình, một con đê trị thủy được nhân dân đắp ngăn úng lụt cho cánh đồng Hoà, Bình, Tân, Tiến, qua cống tiêu Nội Hà, hình thành nên sông Bồng Nga riêng biệt, uốn quanh bao bọc 10 thôn của Định Hoà, như là Long mạch, nuôi sống mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
 Bồng Nga là nơi chứa nước tiêu úng, là nguồn nước tưới cho mùa nước cạn và cũng là nguồn hải sản, nhiều tôm cá, mà từ xa xưa đã lưu truyền câu ca"Định Hòa lắm cá nhiều tôm" là vậy! Sông mát lành, làng xóm trù phú, dân cư đông đúc, đoàn kết nhân ái,. Nơi Phủ Nhì với Điện Thừa Hoa linh thiêng thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao, mẫu nghi thiên hạ, cũng là nơi có Chùa Thiên Phúc tôn nghiêm, với những rặng tre xanh bạt ngàn, mỗi mai lên và khi hoàng hôn về lại trắng những cánh cò.
Dân quê tôi tự hào có con sông tuyệt vời đã đi vào tâm hồn mỗi người và với cả trong thơ ca.Thế nhưng sông Bồng Nga đang bị bức tử
Liệu Bồng Nga, con sông thơ mộng, long mạch xã Định Hòa có còn Linh thiêng, khi mà nhà nhà lấn sông, hoặc được chính quyền cho đất làm nhà ven sông mà không yêu cầu làm mương thoát nước. Toàn bộ nước thải chưa xử lý, trực tiếp đổ ra sông, khi Trạm bơm tiêu úng Nội Hà được nâng cao cốt và dòng sông không chảy! Rồi thì các trang trại chăn nuôi gia súc, đặc biệt các trang trại lớn của các hộ ở Định Bình, ở Đồng Si, ở đầu làng Phang thôn ... thi nhau đổ nước thải ra sông Bồng Nga. Nước thải cùng với các bao tải lợn, gà chết, vất trôi sông, trong khi con sông lại được ngăn từng đoạn cách bức, làm nơi nuôi  cá, thả bèo. Đáy sông đang bị bồi đắp. Mặt sông đang bị thu hẹp. Mùa này nước cạn,  mùi xú uế tanh tưởi bốc lên, dù đã mang khẩu trang vẫn cảm nhận nặng mùi hôi thối... 
Sông Bồng Nga đang bị bức tử...Bồng Nga đang trở thành sông Tô Lịch...Sông sẽ chết vì ô nhiễm, sẽ trở thành con lạch, thành ao tù nước đọng, nếu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Định Hoà không cứu chữa cho sông !
Về lâu dài, hãy mời thầy tư vấn, "mời thầy địa lý, mời đốc tờ, bốc thuốc chữa bệnh”, mời khảo sát thiết kế, mời tài nguyên môi trường và lãnh đạo các cấp xem xét, có quy hoạch cụ thể giúp địa phương
Về trước mắt, dân Định Hòa hãy tự cứu lấy Bồng Nga, tự cứu lấy mình bằng ăn ở cho sạch, không thải bẩn, vất bẩn ra sông. Huyện cũng cần kiểm tra nhắc nhở về vệ sinh môi trường của một địa phương Nông thôn mới. Không để tình trạng lấn đất, thu hẹp lòng sông. Chính quyền sở tại phải cho kiểm tra, đóng cọc chỉ giới.  Quy hoạch mương tiêu hai bờ sông, nơi xử lý nước thải ở khu dân cư, trước khi cho ra sông. Đất thổ cư, hộ nào khi làm nhà mặt sông, yêu cầu diện tích nhà ai nhà ấy phải làm mương dẫn nước thải trong phạm vi nhà mình, nối đến nơi xử lý chung. Có kế hoạch nạo vét sông và mở rộng lòng sông. Bờ Bắc đã bị lấn làm đường, thì thu hồi đất ngân sách ven sông, bên bờ Nam đang bị lấn chiếm để mở rộng lòng sông. Các đập qua sông, phải đảm bảo cầu rộng cho lưu thông dòng chảy. Tăng cường tuyên truyền ý thức trách nhiệm, vệ sinh môi trường trong nhân dân, cùng với tăng cường công tác quản lý nhà nước. Nhất là khi Khu Di tích Quốc gia Phủ Nhì, điện Thừa Hoa với kinh phí tu tạo trên trăm tỷ đồng đã được tôn tạo. Phủ Nhì linh thiêng, cùng sự tôn nghiêm nơi cửa Phật của chùa Thiên Phúc, quần thể du lịch Định Hoà sẽ là nơi phong phú hấp dẫn du khách .
Vì tương lại con em chúng ta. Hãy cứu lấy sông Bồng Nga khi còn chưa muộn!
3/2018

CÁI LẠ ĐÀN BÀ























“Trăm năm trong cõi người ta”
Đàn bà bí ẩn vẫn là xưa nay !
Kể chuyện họ, có hết ngày
Mỗi nhà mỗi cảnh, ra đây trình làng :
Này là chuyện của một nàng
Đêm chồng đi họp, sẵn sàng đi theo
Cô kia đâu phải túng nghèo
Cho chồng mặc rách, ra điều xấu trai
Đầu bù, tóc rối, râu dài
Càng già càng tốt, khỏi ai ngó ngàng
Có bà khi chồng ra đàng
Bắt chồng ăn mặc vào hàng đại gia
Tóc vuốt keo, sài nước hoa
Phong thái đĩnh đạc mới là yên tâm
Yêu, thương, hờn, giận, đúng tầm
Xấu chàng hổ thiếp, muôn lần nâng niu
Có chị, chồng được thương yêu
Nhốt nhà, mồi, rượu, liêu siêu sớm chiều...
Chuyện đàn, bà trăm vạn điều
Chuyện họ, kể biết bao nhiêu mới là
Có chuyện này chưa nói ra :
Thích nịnh, thích được tặng hoa, tặng quà...
    Viết cho
Hậu mùng 8/3

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

CHỢ BẢN XỨ THANH




Chợ Bản Yên Định xưa thuộc làng Bản Đanh, xã Định Tăng. Đây là chợ nông thôn của huyện Yên Định đã có từ lâu đời, nổi tiếng khắp Xứ Thanh, lan ra tận các tỉnh phía Bắc và bắc Trung bộ. Chợ chuyên trao đổi bán mua hàng hóa nông sản như trâu bò, lợn gà, cũng như công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng và đặc sản ẩm thực của các làng quê trong Huyện.
Chợ Bản ngày xưa phong phú và sầm uất lắm. Tuổi thơ mà được theo mẹ đi chợ Bản, nhất là phiên cuối năm, phiên 25 hoặc 30 Tết thì còn tuyệt vời hơn cả về miền cổ tích.
Này đây khu vực buôn bán trâu bò, lợn gà bao giờ cũng trên nền đất cỏ, đủ trâu béo, trâu gày, bò to, bò béo, nghé đẹp, bê ngon, với những thương lái xa gần, miệng bỏm bẻm nhai trầu,tiếng trả giá râm ran, tiếng vỗ tay đen đét. Những ông cò bò chuyên bán nước bọt, hay kẻ buôn đầu chợ, bán cuối chợ, lượn lờ như cá cảnh, dẻo mỏ, thánh thót khen, chê, xen lẫn tiếng bê kêu, lợn éc trong mùi gia súc khai nồng.
Này đây khu ẩm thực phong phú. Những mẹt bánh đúc bầy gọn gàng sạch sẽ, bên những lọ thủy tinh dậy mùi mắm tôm. Những chiếc bánh đa đầy vừng, những chiếc bánh xèo vàng rộm, trong chảo rán sôi ngậy mỡ. Những xấp bánh đa từ Vạn Hà lên, những buộc đậu phụ từ vùng Định Tân qua, chắc mịn, vàng au màu nghệ tươi, vẫn còn đang nóng...
Hàng bánh, kẹo những cột bánh cao lâu, bịch kẹo kéo xanh, đỏ, tím vàng, dẹt, tròn, ngắn, dài đủ cả. Dãy hàng rượu, men bốc thơm lừng với những khuôn mặt đỏ gay, chân bước liêu xiêu, cặp môi đã chép chép mà hàng nào cũng muốn xà vào nếm thử.
Đông tấp nập vẫn là dãy bán đồ cũ, từ quần áo, giày dép, chăn màn, từ đồng hồ, đồ điện tử, dao, kéo, đe búa đến bạc vàng, cái xe đạp quí giá... Thôi thì thượng vàng, hạ cám, hàng nội, ngoại, Tây, Tàu, đồ dân sự, quân sự, dài ngắn, sịn, dổm, xuân hạ thu đông, mới, cũ đủ cả, vì lý do nào đó đem đi chợ, cho đi ở. 
Xa chút về góc chợ phía đông, những bể rèn phì phò thổi lửa. Tiếng đe, búa râm ran. Những bác thợ rèn lưng áo ướt đẫm, tay bóng nhẫy mồ hôi quai búa. Những chị, những mẹ áo nâu chân đất, tay mân mê những con dao, cây kéo và cả những chiếc lưỡi cày thời chìa vôi hay 51cải tiến. Tiếng rít thuốc lào, tiếng mời chào ồn ào râm ran cả một vùng. Khu đồ gốm càng phong phú với những năng, niêu, nồi đất, chum, vại phong phú, to nhỏ đủ loại. Khi theo mẹ đi chợ, mẹ thường dọa, dẫm vào nồi đất là bị bắt đi ở, không được về, để khiếp hãi cho mãi đến giờ. Khu mũ nón, với những bóng hồng thướt tha, lặng lẽ chọn lựa, ướm chiếc quai thao hồng, đỏ ngắn, dài trong chiếc nón được quét dầu sơn trắng bóng, lấp lánh.
Dân gian thường nói "Đến chợ Bản, thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có"là vậy, và lạ kì, một giờ trong giờ ngọ, chợ tuyệt nhiên không bóng một chú ruồi
Chợ Bản vùng quê Xứ Thanh này, trong hai cuộc kháng chiến đánh Tây, đánh Mỹ, phải di chuyển đến nhiều nơi như Duyên Hy, Định Hưng, Thành Phú, Định Tường... nhưng dù ở đâu, chợ đều giữ tên Chợ Bản, hễ có tên Chợ Bản là dân tự tìm đến. Chợ vẫn họp, chợ làm yên lòng người, chợ cho cuộc sống vượt lên cả chết chóc, bom đạn, đã thật sự đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta
Hòa bình, thống nhất đất nước, khi huyện lỵ Yên Định chuyển về Quán Lào, thì chợ không được về làng Bản Đanh cũ, mà được người ta cho chuyển đến xã Định Long, chi tiền, dành đất, lập"Chợ Đầu Mối", trong khi phía đông, cách quãng không xa đã có chợ Thị Trấn, phía Bắc, cũng cách vài trăm mét đã có chợ thuộc xã Định Liên và đặc biệt khi đất nước đang đổi mới, hệ thống chợ đang có những đổi thay căn bản.
Chợ đầu mối thuộc xã Định Long, nhưng"không đầu, không mối", khi nền kinh tế thị trường phát triển, hệ thống chợ búa thay đổi, dân đầu nậu thu gom hàng tận gốc rồi. Chợ chiếm mất bao nhiêu là diện tích đất nông nghiệp, tốn bao nhiêu tiền để xây ki ôt, bao tường. Nói như dân nói "quy ra lọ, sơ sơ năm 2 vụ cũng đã là bao nhiêu tấn rồi".
 Chợ không còn là chợ Bản bán lợn gà trâu bò trên bãi cỏ xưa nữa mà là trên nền bê tông, trâu bò dậm móng cũng khổ, nước đái, phân trâu bò, lợn gà không đất thấm, dưới nắng hè, khai thối thật không chịu nổi. Quanh chợ lại bao móng nhà trước khi bán đất... Giá cả, đắt rẻ, dân tình kiện cáo mãi... Trong khi cơ chế thị trường, cơ cấu hệ thống chợ đã thay đổi, nên chợ lập xong, chỉ lèo tèo người họp, rồi thôi hẵn. Do đó phải quãng cáo, gắn thêm hai chữ"CHỢ BẢN ĐỊNH LONG" nhưng vẫn chẳng có người vào. Dư luận cho rằng lập chợ ở vị trí đó không phù hợp, mà nên đầu tư cho chợ Thị Trấn và chợ Định Liên. Bởi trong quy hoạch lâu dài, vùng này sẽ là khu công nghiệp. Thôi thì dư luận ấy mà. Kệ ! Ai chấp với dư luận!!!
Nay khi vùng đất Yên Định, những Định Liên, Định Long, Định Tường, Định Bình, Yên Phong, Yên Trường, Yên Bái... cùng các xã trong huyện đã đạt chuẩn Nông thôn mới và đang công nghiệp hoá, đô thị hoá. Cùng với sự ra đời, phát triển của các nhà máy, xí nghiệp như may mặc, giày da..., cả trong nước, cả Liên doanh với nước ngoài, các khu công nghiệp cũng ra đời. Do đó yêu cầu dịch vụ, sự phát triển của dịch vụ, nhất là dịch vụ thương mại ngày càng cao. Do đó đã tự phát hình thành các tụ điểm mua bán dọc Quốc lộ 45, trước cổng các Công Ty, các nhà máy. Tình trạng tranh mua, tranh bán, gây nên sự lộn xộn, mất trật tự xãy ra, mặc dù“Chợ Bản Định Long”cận kề ngay đó nhưng vẫn không ai vào.
Sự tự phát tụ tập họp chợ gây lộn xộn, mất trật tự trị an, ảnh hưởng giao thông đã là nỗi lo của Chính quyền các cấp, của lãnh đạo các Công ty, nhà máy và của nhân dân. Nhưng hại thay, vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ. Thực trạng hiện nay, ảnh hưởng của nó, nguyên nhân để xãy ra, trách nhiệm của ai, biện pháp tháo gỡ... Chắc lãnh đạo các cấp và nhân dân đã rõ và có biện pháp để giải quyết. Bởi lẽ không thể để tình trạng đó tồn tại và để lãng phí khu đất chợ này ?
Với góc độ Chợ Búa, thiển nghĩ nếu còn muốn giữ chợ, phải chăng chúng ta phải chủ động tu sửa, chỉnh trang lại Chợ Bản Định Long, sắp xếp lại vị trí các khu, các quầy trước đây đã có. Cắm biển đề tên vị trí. Ví dụ như khu nông sản, khu tạp hoá, khu công cụ sản xuất, bách hóa, hải sản, ẩm thực, kể cả nơi bảo vệ trông giữ xe.... Thông báo cho các hộ đang thuê sử dụng địa điểm khu chợ với giá rẻ mạt, kết thúc hợp đồng, trả lại mặt bằng cho chợ. Đi đôi với việc đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương khuyến khích người vào họp trong chợ của địa phương, như: không thu thuế chỗ ngồi, không thu lệ phí vào chợ, miễn phí giữ xe, có thể trong từ 6 tháng đến 1 năm. Đồng thời lực lượng chức năng phối hợp cùng Công ty, nhà máy, vận động nhắc nhở, yêu cầu mọi người không họp chợ trước cổng nhà máy, vào họp chợ đúng nơi quy định. Công khai vị trí ngồi bán ở chợ lâu dài và cả mức lệ phí sau này.
Chỉ có làm được như thế, dân tình mới yên tâm vào mua bán trong chợ, không lộn xộn tự họp ngoài cổng các Công ty nhà máy. Còn nếu không thì giải tán, chuyển mục đích sử dụng đất cho có hiệu quả, để lãng phí lắm rồi
Riêng ở Định Tăng, nơi chợ Bản Đanh xưa, họ xin phép và đã lập chợ mới, gần nơi chợ Bản xưa, nhân dân các xã Thiệu Thành, Thiệu Vũ, Thiệu Ngọc... Thiệu hóa và dân Yên Định ven Cầu Chày về họp chợ ngày càng đông vui...đó cũng là điều đáng mừng, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa trong vùng
Trộm nghĩ: Chợ búa giống như làm chuồng chim bồ câu, như nuôi ong mật ấy, to đẹp, theo chủ quan của con người chưa chắc ong hay chim đã ở, chợ họp đã họp đông.... . Từ  xây cái chuồng chim, tổ ong phải từ cái Tâm sáng của người làm thì cũng mới thành. Thế mới biết đời khó thật..!

CHỢ BẢN XƯA VÀ NAY
Quê tôi có chợ Bản xưa
Đã từng nổi tiếng bán, mua khắp miền
Năm ngày, chợ họp một phiên
(Mồng một âm lịch là phiên khởi đầu)
Tên chợ Bản có từ lâu
Nổi tiếng bán lợn, bán trâu bán bò
Rồi thì con cá con cua
Cái cuốc, cái xẻng cày bừa, kéo dao...
Mắm tôm, bánh đúc, thuốc lào
Rồi hàng quần áo, hàng bao hàng đồng...
Phiên nào họp, chợ cũng đông
Dịp mà giáp Tết còn không lối vào
Bán mua, trả giá ồn ào
Chợ vẫn là Chợ, mà sao ấm lòng
Giai thoại như chuyện thần thông
"Một giờ trong Ngọ, chợ không có ruồi..."
              * * *
Chợ Bản xưa đã mất rồi
Đầu tư chợ mới về nơi phố phường
Làm nhà, xây cổng, xây tường
Làm sẵn ki ốt, tư thương mời vào...
Thế mà không hiểu vì sao
Người thưa, mua bán ngại vào bên trong
Chợ thì còn rộng mênh mông
Người đến cổng chợ vẫn không chịu vào
Họp bên đường, biết tính sao ?
Tắc đường, giải toả mới vào bên trong
Đội quân đầu nậu tấn công
Gom thu ép giá, nhà nông vướng vòng
Khách xa nhiều khi mất công
Lặn lội vào chợ lại không có hàng
            * * *
Vẫn chợ Bản xã Định Tăng
Tên khai sinh cũ đã hằng chờ mong
Nhân dân trên dưới đồng lòng
Xin lập chợ mới ven đường chợ xưa
Đơn giản chợ là bán mua
Mà đã tấp nập tuy vừa "Cưới "thôi
Chưa tin đến chợ mà coi
Cho "mục sở thị", tay sờ tận nơi
              * * *
Chuyện của chợ
Chuyện cuộc đời...
Chim câu, ong mật tìm nơi mà về !
          Yên Định
    Đầu tháng Chạp



Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

TRỞ DẠ MỘT VÙNG QUÊ









Rầm rập ào ào
Như đợt sóng trào
Đường phố xanh, đỏ trắng, vàng... qua màu mũ, áo
Rõ từng Công ty, rõ từng tốp thợ
Người xe chen chân
Thị trấn đông vui, tấp nập lúc tan tầm
***
Những ruộng gần, đồng xa, 
lam lũ nông dân 
Vất vả quanh năm, vắt mũi, đút mồm, vất vưởng
Những mật, những sôi...  của từng thửa ruộng
Gắn bó đời người, 
một nắng hai sương
Công nghiệp hóa. Giờ đây thành công xưởng
Những nam nữ “lão nông chi điền...”
Chiều qua 
áo nâu, quần đen, tát nước, be bờ.
Sáng nay thành công nhân, xanh màu áo thợ…
Ngày làm 8 giờ
Tháng tháng nhận lương
Mệt nhưng vui- Sướng hơn làm ruộng!
Những nam nữ trung niên, ông già, bà cả. 
Tiền đền bù nhận rồi. Nhàn nhã, vui chơi.
Tuổi thì ất ơ, chân chậm, mắt mờ...
Vào nhà máy? Mơ cũng không đến lượt !
Đang ông chủ, giờ thành phụ thuộc
Một xuất lương con làm
Chi cả nhà- Mươi lăm ngày hết nhẵn !
Đói 
Đầu gối phải bò! Nghĩ lắm trò
Chẳng lẽ không làm, khi dạ muốn no?
***
Những chợ cóc ven đường, trước cổng Công ty
Tụ tập thương nhân-Thành thị trường to, nhỏ…
Chẳng lo một nắng hai sương
Tập: uốn lưỡi, dẻo miệng, tròn mồm, mời chào, cười gượng…
Xưa, quen nói lời thương
Nay, biết đanh đá như phường lừa đảo.
Dẫu có cái chợ to đùng mà chẳng ai vào.
Dù mái lợp, lầu cao 
Đất nông nghiệp thất thu, tốn bao tiền thuế ?
Chỉ thấy lũ con phe, lượn lờ như cá bể
Mắt điên đảo, chuyên nhìn vào túi áo người qua đường
Nơi chứa mắm muối, cà tương, 
con cá, lá rau, bắp ngô, cân gạo
Khi tan tầm ồn ào, xô bồ như vỡ chợ
Trả giá, ưng, chưa? Vội vã, bán lừa, mua tháo !
Cả ngày vắng nhà
Cha mẹ già, con thơ...
Cơm đã nấu, thức ăn còn chờ mẹ ào qua chợ...
***
Nông thôn
nông dân
mà giờ nông nghiệp thờ ơ
Hai vụ lúa, ăn chưa no
Lo đóng góp và còn cả lo“tự nguyện”.
Nào đã dư thừa, phải chi bao thứ nữa
Chẳng lẽ bỏ hoang, dù làm không hiệu quả
Chăn nuôi lợn gà, giá sao rẻ quá
Đô thị hoá... Thôi thì con đi làm thợ
Mình già rồi....Được mấy năm nữa mà lo?
Chỉ mong sao thế hệ tuổi thơ
Lớn lên có việc làm
Không phải lang thang đầu đường, xó chợ
“Nhàn cư vi...”
Vẫn vơ quanh bàn cờ
Đêm về, mơ đổi đời, do trúng số...
***
Đất vàng đấu thầu
Nghe thì rõ hay
''Bộ phận không nhỏ'', có chức quyền
Qua doanh nghiệp sân sau…Móc nối thắng thầu, bỏ tiền  ra mua tất!
Kẻ lắm tiền, nhà ở bám mặt đường, còn mua tranh đất chợ
Viên chức, nhân dân, khi cần san hộ.
Chắt chiu cả đời, mua không nổi mấy chục mét vuông đất ở
Những Shop đèn màu, mới mở chẳng cần gì giờ giấc
Tấp nập bán mua
Quán nhậu đêm khuya
Dịch vụ nhà nghỉ, dập dìu bản nhạc
Những chị lao công, những xe chở rác
Những hành khất, những thày tu gõ cửa sớm hôm
Quần áo nâu sồng, đầu trọc lốc, tay nãi khoác vai, miệng Na mô, a di đà Phật
Những honda ôm. Những xe con, gắn biển Tacxi bận rộn
Giá cả trên mây...
Xô bồ mưu sinh, vì cuộc sống tháng ngày
***
Dân phố nói chung còn nghèo
Quen lao động chân tay.
 Làm dịch vụ chưa hay. 
Buôn chưa có bạn, bán đơn phường, manh mún nhỏ, mạnh ai được nấy
Mong sẽ từ đây, đổi mới ngay từ cơ chế
Để chuyển dạ, đổi đời, vươn dậy một vùng quê. 
Chứ giờ đây, giàu mới chỉ là mấy anh chị đi Tây...
xuất khẩu lao động trở về
Và số ít đầy tớ kia
Không hiểu sao, bổng tự nhiên giầu lên trông thấy...
***
Nhưng
“Tất cả dòng sông đều chảy...”
Quê hương rồi sẽ đổi thay...
20/3/2018

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

MỘT SÀNG CÁI KHÔN












Nếu không bỏ làng ra đi
Đói là cái chắc! Làm gì đủ ăn
Mấy sào ruộng, thiếu quanh năm
Rồi thì đóng góp, nợ nần, cưới xin
Siêng năng, đâu phải ươn hèn
Bụng vẫn cứ đói, nợ tiền tràn lan
Từ ngày bỏ ruộng, đi Nam
Đêm còn mugic, sáng làm công nhân (1)
Làm đủ thứ, chẳng bận tâm
Vẫn còn nhàn hạ tấm thân trai cày
Lại còn biết đó, biết đây(2) 
Vô nghề, nay đã trong tay có rồi
Mấy năm, làm ở xứ người
Khôn lên và có tiền tươi đem về
Sửa nhà, sắm mới con xe
Đối nhân xử thế đã nghe trãi đời
Xa luỹ tre mấy năm thôi
Thị thành thay đổi cái tôi rõ ràng
Mới hay đi một bước đàng(3)
Khổ lao học được cả sàng cái khôn
20/2/2017
(1) Nông dân, qua một đêm, mai vào nhà máy làm việc thành giai cấp công nhân
(2) Đi ra biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn 
(3) Đi bước đàng học sàng khôn ( ngạn ngữ)



TÝ CUN ĐI HỌC ĐẦU XUÂN













Nghĩ  Tết hơn 10 ngày trời
Hôm nay mùng 6, Tý tôi đến trường
Lặng im như thóc trên đường
Buồn thiu, khác hẵn ngày thường vui, tươi
Răng thưa, miệng rộng, chẳng cười
Dù xe mẹ chở, bao lời động viên
Mầm Non, ngày học đầu niên
Vẫn còn lưu luyến chưa quên Tết nhà
Cổng trường, mếu, muốn khóc oà
Cầu thang, nước mắt đã là chứa chan
Cô lì xì kẹo, chẳng cầm
Tý còn cứ thích đón xuân ở nhà
Thích ngày" nấu bánh chuồng gà.."(*)
Thích chưa mồng 6, mới là 23 ...
Thôi mà ! Cái Tết đã qua
Mầm Non trường Tý đó là Tết thôi
Tý được học, Tý được chơi
Vui như Tết cả năm trời Tý ơi
Sáng mai mẹ phải về rồi (**)
Lâu lâu mẹ lại về chơi Tý à !
Xa bố mẹ, có ông bà 
Vui và ngoan, để cả nhà cùng vui..
Tý chỉ đùa mẹ một chút thôi ...
Mùng 6 Tháng Giêng 
   Mậu Tuất 2018
(*) Cứ khi nào Bà nấu bánh chưng gần chuồng gà cũ là sắp Tết
(**) Gia đình cháu ở Hà Nội, bố mẹ bận việc cơ quan, gửi chị em cháu về xứ Thanh quê ngoại 




VỢ BỎ ĐI RỒI













Vợ chồng mấy chục năm nay
Vui buồn chia sớt đắng cay bao ngày
Riêng yêu thương vẫn tròn đầy
Thế mà vợ bỏ...sáng nay đi rồi...
***
Giờ này còn mỗi mình thôi
Bà đi chăm cháu xa xôi quê người 
Từ khi cháu ngoại chào đời
Quên ông, thương cháu, bà thời thăm nuôi 
Hôm qua tranh thủ về chơi
Nhà mình mà cứ đứng ngồi không yên
Nhớ con cháu, thương rể hiền
Rồi bao nhiêu việc phải phiền phải lo
Thế là như kẻ hẹn hò
Tinh mơ bà bắt xe đò đi luôn
***
Gần ông bà nhớ cháu con
Khi bên con cháu, nỗi buồn nhớ ông
Ai ơi ! Có thấu cho không
Con gái sinh cháu là ông ...mất bà...!
2012